Vì sao 'ông trùm chứng khoán' Nguyễn Duy Hưng bán Sao Ta cho C.P VN?

C.P Việt Nam đã tăng sở hữu FMC lên 16,56% trong bối cảnh doanh nghiệp này đang làm ăn khá tốt và cổ phiếu ở mức cao.
CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam đã mua 5,4 triệu cổ phiếu của CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) trong ngày 12/10. Sau giao dịch, C.P Việt Nam tăng sở hữu FMC từ hơn 4,34 triệu cổ phiếu (7,38%) lên 9,74 triệu cổ phiếu (16,56%).
Ngược lại, CTCP Tập đoàn PAN đã bán ra đúng số cổ phiếu mà C.P Việt Nam đã mua vào là 5,4 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu xuống mức 24,68 triệu cổ phiếu, tương ứng 41,96%. 
Cùng thời gian này, Chủ tịch FMC Hồ Quốc Lực, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng Ban kiểm soát FMC đều đăng ký bán thoả thuận hàng ngàn cổ phiếu.
Trên thị trường, cổ phiếu FMC đóng cửa phiên giao dịch 13/10 tại mốc 50.000 đồng/cp, ghi nhận tăng hơn 52% trong vòng 3 tháng qua. Khối lượng giao dịch bình quân hơn 400.000 đơn vị mỗi phiên. 
Vi sao 'ong trum chung khoan' Nguyen Duy Hung ban Sao Ta cho C.P VN?
 
Bắt đầu hoạt động từ năm 1996, đến nay FMC đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt đứng hàng thứ 3. Hiện nay, sản phẩm của FMC có mặt ở các thị trường lớn trên thế giới như Nhật Bản, EU, Mỹ, Úc, Hàn Quốc…
Công ty có 4 nhà máy chế biến đang hoạt động, và đang xây dựng 2 nhà máy mới với công suất chung 20.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 400 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2022.
Tại thời điểm cuối năm 2020, cổ đông lớn của FMC chính là Tập đoàn PAN (40,99%) và CTCP XNK Thuỷ sản Bến tre (13,75%). Hai đơn vị đều thuộc "ông trùm chứng khoán” Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch SSI).
Nhóm PAN thâu tóm FMC từ năm 2017 từ tay Hùng Vương (HVG) khi thị giá FMC quanh mức 30.000 đồng/cp.
Sau khi về chung nhà với PAN, FMC đã có nhiều thay đổi đáng kể, nhất là các chỉ tiêu kinh doanh cao hơn và mức cổ tức cũng rất hời. 
Cụ thể, cổ tức năm 2017 là 45% bằng tiền mặt (khoảng 148 tỷ đồng), trong khi lợi nhuận sau thuế năm 2017 chỉ đạt 122 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức năm 2018 là 20% tiền mặt dù lợi nhuận tăng lên 180 tỷ đồng. Năm 2019, FMC tăng cổ tức tiền mặt lên 25% với lợi nhuận 229 tỷ đồng và 2020 đã tạm ứng 20% khi lãi mang về 225 tỷ đồng.
Theo tiết lộ mới nhất, trong tháng 9/2021, FMC ghi nhận sản lượng chế biến tôm 2.499 tấn, tăng 4,5% so cùng kỳ năm 2020. Tiêu thụ tôm 1.807 tấn, cũng tăng 13,4% so cùng kỳ năm 2020.
Doanh số tiêu thụ chung đạt 21.7 triệu USD, tăng 21,2% so cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, FMC đạt 154,6 triệu USD, tăng gần 12% so cùng kỳ năm 2020 và đạt 77,3% kế hoạch năm 2021.
FMC cho biết, nếu tình hình này giữ vững, FMC tự tin sẽ tăng tốc 3 tháng còn lại của năm và tiến tới hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 gồm doanh số 200 triệu USD, lợi nhuận 250 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, FMC vừa quyết định lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án huy động vốn và điều chỉnh chi tiết một số ngành nghề kinh doanh. Thời gian lấy ý kiến từ 1-11/11.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN