Vì sao doanh nghiệp thép thắng lớn trong quý 1?

Hàng loạt các doanh nghiệp trong ngành đều báo kết quả kinh doanh tích cực trong quý 1/2021.
Ngành thép đang đón nhận nhiều thông tin tích cực khi giá thép tăng mạnh, nhu cầu sử dụng sản phẩm trong và ngoài nước tăng cao sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, chi tiêu đầu tư công cho hạ tầng hậu đại dịch được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy ngành này tăng trưởng.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam, sản lượng sản xuất thép thành phẩm của các đơn vị trong hiệp hội đạt 7,7 triệu tấn, tăng 33%; bán hàng đạt 6,8 triệu tấn, tăng 35%. Riêng xuất khẩu thép các loại đạt 1,67 triệu tấn, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, giá thép cũng tăng mạnh trong các tháng đầu năm và ghi nhận mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Tính đến đầu tháng 4, giá thép đạt 16.000 đồng/kg, tăng 6% so với đầu năm và tăng mạnh so với vùng giá 11.000-12.000 đồng/kg của năm 2020.
Trước làn sóng tăng giá của các loại hàng hóa trên thế giới, ngành thép được đánh giá có triển vọng tăng trưởng mạnh trong năm nay. Nhờ đó, hàng loạt các doanh nghiệp trong ngành đều báo kết quả kinh doanh tích cực trong quý 1/2021.
Vi sao doanh nghiep thep thang lon trong quy 1?
 Ngành thép thắng lớn trong quý 1.
Thép Nam Kim (NKG) báo cáo doanh thu thuần hợp nhất quý 1 đạt 4.853 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp cải thiện từ 8,6% lên 12,6%.
Lãi sau thuế 319 tỷ đồng, gấp 7,7 lần cùng kỳ năm trước và ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục trong lịch sử hoạt động, vượt qua cả con số thực hiện trong năm 2020.
Theo BCTC quý 1, Đầu tư thương mại SMC (SMC) đạt doanh thu thuần 5.070 tỷ đồng, tăng 47%. Biên lãi gộp cải thiện mạnh từ 4,9% lên 8,5%. Lãi sau thuế đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 216 tỷ đồng, gấp gần 15 lần cùng kỳ năm trước.
Tương tự tại Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH), trong quý 1/2021, công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt gần 979 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 120 tỷ đồng trong khi quý 1/2020 đạt 943 tỷ đồng doanh thu và chỉ có lãi gần 4 tỷ đồng.
Với Kim khí TP.HCM (VnSteel, HMC), doanh thu quý 1/2021 đạt 1.116tỷ đồng tăng 40% so với cùng kỳ; lãi ròng gần 65 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần.
Ngoài ra, Thép Đà Nẵng (DNS), Gang thép Thái Nguyên (TIS), Thép Mê Lin (MEL) báo cáo lợi nhuận quý 1 gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước.
Dù chưa có Báo cáo tài chính chính thức nhưng những ông lớn ngành thép ước tính kết quả kinh doanh cũng khá tích cực như HSG, HPG,...
Mới đây, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) ước doanh thu quý 2 niên độ 2020-2021 đạt 10.841 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 834 tỷ đồng; lần lượt tăng 89% và gấp 4 lần cùng kỳ năm trước, cùng lập kỷ lục.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) chưa công bố lợi nhuận quý 1 nhưng dựa trên mức sản lượng cao có thể dự đoán sẽ là con số vượt trội. Cụ thể, Hòa Phát tiêu thụ 2,16 triệu tấn thép các loại, gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thép xây dựng đạt 855.000 tấn, tăng 17%; ống thép 184.000 tấn, tăng 27%. Đặc biệt, doanh nghiệp có thêm sản lượng HRC đạt 665.000 tấn mà cùng kỳ năm trước chưa có.
Cổ phiếu tăng nóng và vượt đỉnh
Trong bối cảnh VN-Index khá giằng co trong thời gian qua sau khi vượt đỉnh lịch sử 1.204,33 điểm (thiết lập ngày 9/4/2018), cổ phiếu các doanh nghiệp thép trở thành điểm sáng khi vẫn tăng mạnh và ghi nhận mức đỉnh lịch sử.
Nhóm cổ phiếu thép là một trong những tâm điểm của dòng tiền trong các tuần qua. POM, TNA, SHA ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân tăng vọt so với tuần trước đó.
Riêng POM đạt mức giao dịch bình quân hơn 700 ngàn đơn vị/phiên, gấp hơn 4,3 lần tuần trước đó. TNA, SHA cũng có lượng giao dịch gấp nhiều lần tuần trước. Tương tự, SHI, SMC cũng có khối lượng giao dịch gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ.
Cổ phiếu HPG chốt phiên 19/4 ở mức giá 57.800 đồng/cp, tăng 28% trong vòng 1 tháng qua và 37% tính từ đầu năm. Cổ phiếu này đang được giao dịch ở vùng đỉnh kể từ khi lên sàn.
Nhiều cổ phiếu thép khác có mức tăng ấn tượng và đạt đỉnh như TLH của Thép Tiến Lên (115% tính từ đầu năm), TDS của Thép Thủ Đức – Vnsteel (89%), SMC của Thương mại SMC (75%).
Tuy nhiên, sau khi lập đỉnh nhiều cổ phiếu ngành thép điều chỉnh giảm trong phiên ngày 20/4 khi nhà đầu tư chốt lời trong thời gian tăng nóng.
Trong báo cáo nhận định ngành thép năm 2021, SSI Research đã nhấn mạnh: Nhu cầu thép có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi sự phục hồi của thị trường bất động sản, dòng vốn FDI và đầu tư công trong những năm tới. Tại thị trường trong nước dự kiến sẽ phục hồi trở lại mức bình thường là 8% so với mức thấp năm 2020.
SSI Research cho rằng, giá thép có thể đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó trong năm 2021 khi nguồn cung dần ổn định, sản lượng thép của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng khoảng 2% trong năm 2021, sau khi tăng khoảng 5% trong năm 2020.
Khi nguồn cung ổn định, giá thép có thể điều chỉnh và điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép. "Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép còn chịu áp lực rủi ro như giá nguyên liệu tăng, điều này sẽ gây áp lực lên các công ty thép và đặc biệt đúng với những công ty nhỏ, sở hữu thị phần thấp", báo cáo của SSI Research nhấn mạnh.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN