Top doanh nghiệp thua lỗ nặng nhất quý 1/2022

FLC, HNG và TDC là 3 doanh nghiệp báo lỗ nặng nhất trong quý 1/2022, trong đó chỉ riêng HNG lên kế hoạch chấp nhận thua lỗ trong cả năm.
Trong tổng số hơn 700 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 tính đến 10/5 thì ghi nhận 81 đơn vị báo lỗ.
Trong đó mức lỗ ở hàng trăm tỷ chỉ có 3 doanh nghiệp là Tập đoàn FLC với con số âm trong quý 1 lên tới 465 tỷ đồng, tiếp theo là HAGL Agrico (HNG) với 113 tỷ đồng và Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) lỗ 109 tỷ đồng. 
Top doanh nghiep thua lo nang nhat quy 1/2022
Top những doanh nghiệp thua lỗ trên 10 tỷ đồng trong quý 1/2022 
Với FLC, do kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp hơn 14 tỷ đồng trong quý 1/2022. Cùng với việc chi phí gia tăng và khoản lỗ lớn từ công ty liên doanh liên kết, FLC kết thúc quý đầu năm với con số lỗ sau thuế 465 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3/2022, nợ phải trả của FLC tăng thêm gần 2.100 tỷ đồng lên 26.142 tỷ đồng. Vay nợ ngắn hạn tăng lên 3.204 tỷ đồng từ mức 2.034 tỷ của đầu kỳ, ngược lại vay nợ dài hạn giảm nhẹ về 4.106 tỷ đồng.
Do tình hình tài chính như vậy nên từ tháng 11/2020, FLC đã thông qua việc sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu của FLC và FLCHomes để thay nghĩa vụ trả nợ tại Ngân hàng Phương Đông (OCB).
Theo đó, tòa nhà tại 265 Cầu Giấy, Hà Nội - nơi FLC, Bamboo Airways đặt trụ sở - đã được sử dụng để cấn trừ toàn bộ nghĩa vụ trả nợ bao gồm toàn bộ dư nợ gốc, lãi, dư nợ quá hạn (nếu có) của FLC, FLC Faros, FLCHomes, Bamboo Airways tại OCB. 
Chưa hết vận đen, cổ phiếu FLC sẽ bị kiểm soát từ ngày 12/5 tới đây do công ty chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2021.
Hiện FLC chưa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên nên không rõ kế hoạch năm 2022 của doanh nghiệp dính nhiều vấn đề từ đầu năm 2022 đến nay có thay đổi so với chỉ tiêu trước khi xảy ra biến cố lãnh đạo bị bắt là 27.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận 2.100 tỷ đồng hay không.
Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) công bố quý 1/2022 với doanh thu thuần đạt 213,9 tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ 2021. 
Lợi nhuận gộp chưa tới 11 tỷ, trong khi các chi phi ăn mòn hết lợi nhuận gộp đặc biệt là chi phí tài chính (hơn 135 tỷ) nên công ty ghi nhận khoản lỗ ròng 113 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp vẫn có lãi gần 7 tỷ.
Trong đó, lỗ thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 44,6 tỷ còn hạch toán lỗ do đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối kỳ là 68 tỷ. Tới 31/3, HAGL Agrico lỗ luỹ kế 3.539 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 5 liên tiếp của HAGL Agrico.
Tính đến cuối quý 1/2022, tổng tài sản HNG đạt 13.698 tỷ đồng. Tổng nợ vay 5.932, riêng dư nợ từ ngân hàng là 3.244 tỷ đồng, còn lại là vay chủ yếu từ HAGL (HAG) hơn 2.088 tỷ, 593 tỷ từ Thagrico.
Năm 2022, HNG dự kiến ghi nhận doanh thu thuần 1.731 tỷ đồng và thua lỗ trước thuế 2.713 tỷ đồng do chi phí chuyển đổi vườn cây lớn.
Giải trình kết quả kinh doanh, Ban Tổng Giám đốc HNG cho biết có 3 nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ nêu trên. Đầu tiên là giá mua phân bón, vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng 130%, bao bì đóng góp trái cây tăng 15% so với đầu năm.
Thứ hai là tình trạng thiếu hụt container lạnh để xuất khẩu trái cây, chi phí container lạnh tăng cao, thời gian vận chuyển và thông quan tăng từ 12 ngày đến 35 ngày làm ứ hàng, tăng chi phí kho bãi và giảm chất lượng trái cây. Chi phí vận chuyển tiếp tục tăng cao vào đầu năm nay, cụ thể là chi phí vận chuyển đường bộ tăng 26% (từ 19 triệu đồng/container lên 24 triệu đồng/container) và chi phí vận chuyển đường biển tăng 237% (từ 785 USD/container lên 2.650 USD/container) so với cùng kỳ năm ngoái.  
Với Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC), trong quý đầu năm 2022, doanh thu TDC chỉ đạt gần 137 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ bất động sản sụt giảm đáng kể, chỉ còn hơn 23 tỷ đồng (cùng kỳ 81.5 tỷ).
Lợi nhuận gộp TDC kỳ này chỉ hơn 31 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với quý 1/2021. Thêm vào đó, chi phí lãi vay của nhà phát triển bất động sản có trụ sở tại Bình Dương này bất ngờ nhảy vọt lên gần 107 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ và cũng là con số lãi vay phải trả cao kỷ lục.
Hệ quả là TDC báo lỗ nặng nhất trong hơn 10 năm qua, ở mức gần 110 tỷ đồng.
Được biết, tại thời điểm cuối quý 1/2022, TDC có dư nợ vay hơn 1,720 tỷ đồng, trong đó 922 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 802.7 tỷ đồng nợ vay dài hạn.
Trong khoản vay dài hạn, TDC đang có dư nợ trái phiếu là 700 tỷ đồng với lãi suất từ 10.5%/năm. Đây là lô trái phiếu TDC phát hành có tài sản đảm bảo là 108 triệu cp IJC của CTCP Phát triển hạ tầng kỹ thuật thuộc sở hữu Tổng Công ty đầu tư và phát triển Công nghiệp (Becamex).
Trong năm 2022, TDC đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.890 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 139,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 96% và 23% so với thực hiện trong năm 2021.
Trong danh sách thua lỗ quý 1/2022 còn ghi nhận cặp "mẹ con" OGC và OCH khi báo lỗ lần lượt là 21 tỷ và 28 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2022 OGC đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 937 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 18 tỷ đồng. Còn OCH đề ra chỉ tiêu doanh thu 991 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 54,8 tỷ đồng.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN