Rủi ro hay cơ hội cho Gilimex khi nộp đơn kiện Amazon đòi 280 triệu đô la?

Khoảng 85% doanh thu xuất khẩu của Công ty Gilimex (GIL) đến từ khách hàng Amazon. Việc phụ thuộc quá nhiều vào gã khổng lồ này đã giáng cú đòn khá đau cho GIL từ quý 3/2022.
Bloomberg đưa tin, Gilimex - một doanh nghiệp may mặc của Việt Nam đã kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ Amazon, với giá trị đòi bồi thường lên tới 280 triệu USD.
Gilimex cáo buộc Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng sau khi tăng trưởng chi tiêu trực tuyến hạ nhiệt trong năm nay, khiến nhà sản xuất này gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.
Sự thay đổi đột ngột này cũng phơi bày một rủi ro lớn của Gilimex khi quá phụ thuộc vào gã khổng lồ và tạo ra một tương lai vô cùng bất định khi có mâu thuẫn xảy ra.
Dù là bên đâm đơn kiện, nhưng ngay sau khi có thông tin về vụ việc, cổ phiếu GIL của Gilimex lập tức bị bán tháo trong phiên giao dịch ngày 15/12.
Khối lượng giao dịch của GIL đạt 2,5 triệu đơn vị, và khối lượng dư bán giá sàn là 1,9 triệu đơn vị. Phiên giảm sàn hôm nay đã chấm dứt chuỗi 4 phiên hồi phục gần đây của GIL.
Rui ro hay co hoi cho Gilimex khi nop don kien Amazon doi 280 trieu do la?
 GIL kết thúc chuỗi tăng sau khi đâm đơn kiện Amazon.
Theo chia sẻ từ Gilimex, họ đã trở thành đối tác chính của Amazon từ năm 2014 và hoạt động sản xuất cho Amazon đã tăng gấp 20 lần trong 8 năm qua.
Để đạt mức tăng trưởng này, nhà sản xuất này đã tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên và đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất để xây dựng kho chứa hàng hóa của Amazon.
Gilimex cho biết Amazon cũng là khách hàng lớn nhất và thậm chí, họ đã từ chối các khách hàng lớn như IKEA, Columbia Sportswear để đáp ứng nhu cầu của Amazon. Điều này cho thấy sự rủi ro quá mức đối với Gilimex khi phụ thuộc hoàn toàn vào Amazon.
Theo Mirae Asset Vietnam Research, 85% doanh thu xuất khẩu của Gilimex đến từ khách hàng Amazon, với các đơn đặt hàng trị giá 146,6 triệu USD vào năm 2021. Từ khi bắt tay với Amazon, kết quả kinh doanh của Gilimex liên tục tăng nhanh với tăng trưởng doanh thu trung bình năm đạt trên 20%.
Đặc biệt, khi kênh thương mại điện tử bùng nổ trong giai đoạn Covid-19, bên bán lẻ thứ 3 như Gilimex chiếm được lợi thế cạnh tranh rất lớn. Doanh thu của Gilimex đến năm 2021 đã vượt mốc 4.000 tỷ. Từ quý 4/2021 đến quý 2 /2022, doanh thu của công ty này đều đặn dao động trong khoảng 1.300 tỷ đồng.
Rui ro hay co hoi cho Gilimex khi nop don kien Amazon doi 280 trieu do la?-Hinh-2
 GIL sẽ có cơ hội nhận được tiền bồi thường từ Amazon?
“Gã khổng lồ” sa sút và hệ luỵ
Vì dịch Covid, gã khổng lồ Amazon liên tục thua lỗ, chủ yếu do đầu tư vào diện tích kho hàng, trung tâm phân phối lượng chi phí quá lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu cũng giảm đáng kể.
Amazon đã bắt đầu sa thải nhân sự hàng loạt để cắt giảm chi phí và việc này dự kiến kéo dài đến sang năm 2023. Đây có lẽ là những lý do thôi thúc Amazon quyết định “thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến” với Gilimex trong tháng 4-5/2022.
Điều này dẫn đến hệ quả, sang đến quý 3/2022, doanh thu của Gilimex đột ngột lao dốc trầm trọng xuống chỉ còn hơn 213 tỷ đồng, giảm đến 83% so với quý 2 liền kề và giảm 66% so với cùng kỳ năm 2021.
Doanh thu lũy kế sau 9 tháng chủ yếu do 2 quý đầu năm đóng góp, còn lãi phần lớn lại nhờ vào thanh lý khoản đầu tư vào công ty liên kết trong quý 3 mà không phải từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Tính đến cuối quý 3/2022, tổng tài sản của Gilimex là 4.268 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho của công ty tăng tới 70% so với đầu năm lên 1.278 tỷ đồng. Con số mà GIL đòi bồi thường lên đến 280 triệu USD (tương đương 6.600 tỷ đồng) hơn cả tổng tài sản đồng thời cả giá trị vốn hoá của Công ty (khoảng 1.800 tỷ đồng).
Tương lai vô định?
Trước khi xảy ra tranh chấp, đến quý 2/2022, Amazon vẫn là khách hàng lớn của Gilimex, theo báo cáo của Chứng khoán DSC, Amazon đã gia hạn hợp đồng với Gilimex từ tháng 7/2022, song giá trị và lượng đơn hàng có xu hướng giảm trong 2 quý cuối năm do lo ngại lạm phát hạn chế nhu cầu bán lẻ.
Với tình hình thị trường hiện nay, mảng xuất khẩu dệt may của Gilimex sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn. Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS) nhận định, ngành dệt may sẽ đối mặt với sự sụt giảm mạnh đơn hàng trong 2 quý tới trong bối cạnh lạm phát cao làm suy yếu nhu cầu may mặc toàn cầu.
Trên thực tế, Gilimex đã nhận ra các đặc thù rủi ro của ngành và dần đa dạng hoá ngành nghề. Trong năm 2020, Gilimex đã lấn sân sang bất động sản khu công nghiệp.
Gilimex đang đầu tư vào dự án Khu công nghiệp Phú Bài 4 với tổng vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý 4/2022. Một dự án khác là Khu công nghiệp Gilimex - Vĩnh Long mới chỉ được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2022. Tuy nhiên, đến nay, những bước đa dạng hóa này chưa thể tạo ra lợi nhuận.
Có 2 trường hợp có thể xảy ra khi Gilimex đâm đơn kiện. Thứ nhất doanh nghiệp có thể thắng được bồi thường 280 triệu USD thì vốn hoá tăng nhanh, dòng tiền dồi dào, kinh doanh thuận lợi.
Trường hợp kiện thua, trước hết Gilimex phải thanh toán các loại chi phí kiện tụng cho Toà án, đồng thời sẽ chấm dứt làm đối tác với Amazon khi đó lượng hàng tồn sẽ phải tung ra thị trường bằng cách tìm đối tác khác hoặc “sale off” nhanh chóng thu hồi vốn, doanh nghiệp sẽ phải chật vật hơn trong ngành nghề kinh doanh chính của mình.
Trong tiền lệ, việc doanh nghiệp may mặc bị động do phụ thuộc khách hàng nước ngoài không phải lần đầu tiên diễn ra. Cách đây vài năm, May Sông Hồng và TCM cũng từng phải chật vật khi các đối tác lớn của họ tại Mỹ đâm đơn phá sản.
Đối với MSH, vào ngày 13/7/2020, RTW Retailwinds Inc. - Công ty mẹ của New York & Company - đối tác lớn nhất của công ty thời điểm đó đã nộp hồ sơ bảo hộ phá sản lên cơ quan chức năng của Hoa Kỳ do mất khả nănh thanh toán.
Được biết, doanh thu của New York & Co chiếm khoảng 13% tổng doanh thu MSH năm 2019, khoảng 575 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2020, số dư phải thu của Công ty từ các giao dịch bán hàng cho New York & Company là 218 tỷ đồng. Trong đó, giá trị có thể thu hồi là 64,5 tỷ đồng, MSH phải trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi 153,5 tỷ đồng. Đến quý 2/2021, MSH đã bán khoản phải thu trên với giá trị thu hồi là 80 tỷ đồng.
Vào khoảng cuối năm 2018, Dệt may Thành Công (TCM) cũng đối mặt với sự cố đối tác lớn tại Mỹ là Sears Holdings đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Cùng với việc xin bảo hộ phá sản của Sears là 49 công ty con bao gồm hai công ty là Sears, Roebuck and Co. và Kmart Corporation đang có giao dịch mua hàng với TCM.
Ước tính lúc bấy giờ của TCM, 2 công ty này đóng góp khoảng 7% doanh thu TCM, tương đương với con số mất đi từ vụ phá sản này ghi nhận từ 175-224 tỷ đồng.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN