Ông Nguyễn Đức Tài: Sức mua tại Bách hóa Xanh yếu do lạm phát và thất nghiệp, quý 4/2023 mới ổn trở lại

Về câu hỏi khi nào ổn định trở lại, ông Tài cho biết khó dự báo sớm nhất sẽ phải hết quý 1 năm sau, còn nếu “xui xui” tình hình thế giới vẫn bất ổn thì sẽ kéo dài sang đến quý 2, thậm chí quý 3/2023.
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 10 với 10.900 tỷ đồng doanh thu, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu luỹ kế 10 tháng là 113.700 tỷ, tăng 15% so với 10 tháng của năm 2021. Công ty không cung cấp con số lợi nhuận trong báo cáo tháng 10.
Chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) ghi nhận doanh thu giảm 18% trong tháng 10 còn 8.300 tỷ đồng. 10 tháng hai chuỗi này đem về 90.000 tỷ doanh thu, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính tới cuối tháng 10, công ty có 1.163 cửa hàng chuỗi TGDĐ (bao gồm 93 cửa hàng Topzone) và 2.269 cửa hàng chuỗi ĐMX (gồm 1.034 ĐMX Supermini).
Với chuỗi Bách Hoá Xanh, doanh thu tháng 10 đạt 2.370 tỷ, tăng 22% song luỹ kế 10 tháng giảm 9% còn 22.300 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Ong Nguyen Duc Tai: Suc mua tai Bach hoa Xanh yeu do lam phat va that nghiep, quy 4/2023 moi on tro lai
 Ông Nguyễn Đức Tài nhận định vĩ mô ảnh hưởng đến BHX đến hết quý 3/2023.
"Chúng tôi nhận thấy doanh số các cửa hàng BHX ở gần khu công nghịệp, có đông công nhân đang có xu hướng giảm do sức mua yếu đi. Nguyên nhân do bởi công nhân bị mất việc và giảm thu nhập do các nhà máy thiếu đơn hàng. Riêng TP. HCM, doanh thu trung bình tại cửa hàng vẫn tiếp tục tăng so với tháng 9 trong khi thị trường tỉnh đi ngang và giảm nhẹ", MWG cho hay.
Theo MWG, thời điểm quý 4 năm ngoái là giai đoạn phục hồi mạnh mẽ đối với công ty do nhu cầu dồn nén sau giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh thành. Công ty cũng nhận thấy doanh thu 2 tháng còn lại của năm 2022 có thể không được như cùng kỳ năm trước nhưng lũy kế cả năm 2022 vẫn dự kiến tăng trưởng 2 con số.
Đưa ra nhận định về tình hình vĩ mô, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG cho biết: “Thế giới có nhiều vấn đề cần giải quyết như: chiến tranh, lạm phát, giá xăng dầu, nhiều thứ diễn ra…. và đã tác động đến Việt Nam. Tại Việt Nam, như tôi nhận định trước đây thường có độ 'delay' là 3-6 tháng so với thế giới, mình luôn luôn đi chậm hơn so với thế giới. Người ta đã thấy ảnh hưởng lạm phát trước đó và nay thì Việt Nam mình đã thấy rồi".
"Việt Nam đang bước vào giai đoạn rất khó khăn, các vấn đề như dòng tiền, chứng khoán, công ăn việc làm rất lủng củng. Đây là năm rất lạ lùng, cuối năm đáng lẽ là phải tăng ca thì nhân công lại phải chia ca. Thu nhập giảm, ai không chịu nổi thì về quê. Thậm chí, một số công ty còn chủ động cho nhân viên nghỉ…”, ông Tài nêu.
Về câu hỏi khi nào ổn định trở lại, ông Tài cho biết khó dự báo sớm nhất sẽ phải hết quý 1 năm sau, còn nếu “xui xui” tình hình thế giới vẫn bất ổn thì sẽ kéo dài sang đến quý 2, thậm chí quý 3/2023. Chắc chắn quý 4 tình hình sẽ dễ thở hơn rất là nhiều, từ từ mọi thứ sẽ ổn hơn.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN