Novaland: Sau kiểm toán lãi ròng "hụt" hơn 100 tỷ, bị nghi ngờ khả năng hoạt động

Báo cáo kiểm toán 2022 của Novaland ghi nhận loạt điều chỉnh khiến lãi ròng "bốc hơi" 102 tỷ về mức 2.162 tỷ đồng. Kiểm toán cũng nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục.
Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2022 với lợi nhuận điều chỉnh giảm và kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.
Lãi ròng "bay hơi" hơn 100 tỷ sau kiểm toán
Báo cáo kiểm toán cũng ghi nhận doanh thu thuần vẫn xấp xỉ báo cáo tự lập với 11.134 tỷ đồng. Tuy nhiên giá vốn có điều chỉnh tăng 1,4% khi chiếm 6.883 tỷ đồng. Do đó lợi nhuận gộp cũng giảm 2,2% về còn 4.251 tỷ đồng.
Đặc biệt, chi phí bán hàng và quản lý có sự biến động mạnh, trong đó chi phí bán hàng tăng gần 3% lên 960 tỷ thì chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm 2,3% về mức 1.536 tỷ đồng sau kiểm toán. Thêm vào đó, lợi nhuận khác cũng giảm 2,2% về mức 1.367 tỷ đồng.
Với loạt điều chỉnh đó khiến lãi ròng của Novaland cũng thay đổi theo sau kiểm toán, tức giảm 4,5% (102 tỷ) về mức 2.162 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 33% so năm 2021. 
Ngoài ra, sau kiểm toán tổng tài sản của Novaland cũng điều chỉnh tăng thêm gần 370 tỷ lên 257.734 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022. Trong đó hàng tồn kho tăng hơn 470 tỷ khi chiếm 134.958 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Novaland 212.917 tỷ (tăng 482 tỷ so báo cáo tự lập), chiếm hơn 82% tổng nguồn vốn. Trong cơ cấu nợ phải trả, vay nợ tài chính ngắn hạn của Novaland cũng điều chỉnh tăng thêm 3.686 tỷ lên 29.202 tỷ sau kiểm toán; còn vay dài hạn lại giảm gần 3.400 tỷ xuống mức 35.666 tỷ đồng; Dự phòng phải trả cũng tăng gấp đôi lên 232 tỷ đồng.   
Novaland: Sau kiem toan lai rong
 
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, Novaland xử lý vay nợ ra sao?
Tại báo cáo này, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của Novaland. 
Đơn vị kiểm toán cho rằng báo cáo tài chính ảnh hưởng đáng kể của thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp đến tình hình hoạt động kinh doanh của Novaland. Đồng thời, Novaland đã vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay trái phiếu.
Do đó, giả định hoạt động liên tục của Novaland phụ thuộc vào khả năng Tập đoàn có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.
Những vấn đề này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Novaland. 
Novaland lưu ý, tại thời điểm cuối năm 2022, Tập đoàn đang có 5.537 tỷ đồng bị giới hạn sử dụng tại ngân hàng cho vay. Novaland cho biết đã đàm phán và đạt được thoả thuận với các ngân hàng về việc giải chấp số tiền 2.498 tỷ đồng, còn lại đang trong quá trình thảo luận.
Cũng tại thời điểm cuối 2022, tổng nợ vay và nợ trái phiếu của Novaland là 64.869 tỷ đồng, Tập đoàn đã thanh toán được 1.985 tỷ trên dư nợ gốc tại thời điểm phê chuẩn báo cáo này. Số dư nợ còn lại đang tiến hành đàm phán với các chủ nợ để tiến hành gia hạn hoặc sẽ thanh toán một phần bằng cách thanh lý một số tài sản thuộc sở hữu của các bên liên quan.
Một số chủ nợ đã đồng ý việc gia hạn thời gian đáo hạn các khoản nợ hoặc nhận thanh toán bằng tài sản khác. 
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN