Năm 2020 lỗ nặng, kế hoạch doanh thu 2021 suy giảm thì PVX sẽ lỗ thêm bao nhiêu?

Năm 2020 lỗ nặng nên bước sang năm 2021 PVX bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận trong khi chỉ tiêu doanh thu lại suy giảm gần 14%.
Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (UPCoM: PVX) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với tổng doanh thu hợp nhất 1.383 tỷ đồng, giảm gần 15% so thực hiện năm 2020.
Đồng thời, PVX bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận khi năm trước thua lỗ tới 167 tỷ đồng. 
PVX lưu ý, các chỉ tiêu kế hoạch 2021 nêu trên được xây dựng từ giai đoạn cuối năm 2020, trên cơ sở giả định các cơ chế chính sách/các khó khăn vướng mắc tại dự án NMNĐ Thái Bình 2 được giải quyết, kế hoạch tiếp thị đấu thầu một số dự án trong và ngoài ngành. Tuy nhiên, do sự kiện bất khả kháng của tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động SXKD của PVX cũng như của các đơn vị thành viên, HĐQT dự kiến trên cơ sở kết quả SXKD 9 tháng đầu năm 2021 sẽ chỉ đạo các ban/đơn vị rà soát và điều chỉnh kế hoạch SXKD 2021 cho phù hợp.
Riêng trong quý 1/2021, PVX đã lỗ ròng hơn 25 tỷ đồng.
Nam 2020 lo nang, ke hoach doanh thu 2021 suy giam thi PVX se lo them bao nhieu?
 
Với mức lỗ đó, nâng lỗ luỹ kế của PVX tại thời điểm cuối năm 2020 lên tới 3.712 tỷ đồng. 
Trong 8 đơn vị chi phối có kết quả SKXD năm 2020 hợp nhất vào PVX, có 4 đơn vị có lãi tuy nhiên giá trị lợi nhuận sau thuế đạt được rất thấp PVC-MS lãi 3,39 tỷ đồng, PVC-Petroland lãi 2,01 tỷ đồng, PVC-Bình Sơn lãi 0,18 tỷ đồng và PVC-Mekong lãi 10,14 tỷ đồng; 4 đơn vị còn lại có kết quả kinh doanh năm 2020 thua lỗ với tổng giá trị lợi nhuận sau thuế là âm 165,60 tỷ đồng. Công ty mẹ phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dẫn đến tăng lỗ đối với chỉ tiêu lợi nhuận.
PVX cho biết, kế hoạch năm 2020 được xây dựng trên cơ sở dự kiến được tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách tại các dự án. Tuy nhiên thực tế triển khai thì việc tháo gỡ khó khăn chưa được hỗ trợ kịp thời (đặc biệt tại dự án NMNĐ Thái Bình 2), dẫn đến PVX không thể hoàn thành kế hoạch năm 2020.
Nguồn việc chuyển tiếp từ năm trước chuyển sang gần như không có, tại Công ty mẹ và phần lớn các đơn vị chi phối đều phụ thuộc nguồn việc tại 2 dự án chính là dự án NMNĐ Thái Bình 2 và dự án NMNĐ Sông Hậu 1. Tuy nhiên, dự án NMNĐ Sông Hậu bước vào giai đoạn hoàn thành còn dự án NMNĐ Thái Bình 2 thì đến cuối năm 2020 mới được các cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc để Chủ đầu tư tiếp tục cấp vốn triển khai dự án.
Công tác tiếp thị, tìm kiếm nguồn việc mới đặc biệt khó khăn, do thua lỗ 3 năm liên tiếp, không đủ năng lực tài chính để tham gia đấu thầu. Các hợp đồng ký mới có giá trị nhỏ, khả năng tự tìm kiếm nguồn việc mới của các đơn vị còn yếu.
Tình hình tài chính của PVX gặp nhiều khó khăn do lỗ lũy kế từ các năm trước để lại lớn, thiếu hụt về tài chính dẫn đến thiếu nguồn lực để có thể tập trung triển khai các dự án, đặc biệt tại dự án NMNĐ Thái Bình 2.
Các chính sách tài chính thắt chặt khiến PVX và các đơn vị vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay từ các Ngân hàng/tổ chức tín dụng để triển khai thu xếp vốn cho các dự án.
Công tác thoái vốn góp đầu tư tài chính gặp nhiều vướng mắc do phần lớn các đơn vị nằm trong kế hoạch thoái vốn của PVX đều thua lỗ nên khó khăn trong việc tìm kiếm các đối tác nhận chuyển nhượng, giá chuyển nhượng quá thấp. Ngoài ra những vướng mắc thủ tục pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện cũng dẫn đến quá trình thoái vốn kéo dài.
Công tác thoái vốn tại các dự án bất động sản của đơn vị thành viên cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng của thị trường bất động sản đồng thời các dự án chưa thực sự thu hút đối tác nhận chuyển nhượng đầu tư.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN