Lương thưởng của lãnh đạo MWG thế nào giữa lúc doanh nghiệp làm ăn sa sút?

Nhiều khả năng tranh cãi về vấn đề lương thưởng sẽ nóng trở lại trong Đại hội sắp tới vì MWG đang trên đà thoái trào, làm ăn không hiệu quả.
Lần đầu tiên trong BCTC quý 4, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) công bố chi tiết thu nhập của các thành viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc.
Cụ thể, ông Nguyễn Đức Tài- Thành viên sáng lập, Chủ tịch HĐQT MWG, nhận mức thù lao 1,927 tỷ đồng, tương đương hơn 160 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, ông Đoàn Văn Hiểu Em - Thành viên HĐQT có thu nhập 1,779 tỷ đồng trong năm 2022, trung bình 148 triệu đồng/tháng. Tại tập đoàn, ông Hiểu Em chịu trách nhiệm điều hành chính hai chuỗi bán lẻ tạo doanh thu lớn nhất của MWG gồm Thế giới Di động và Điện máy Xanh.
Hai thành viên HĐQT khác của MWG là ông Đặng Minh Lượm và ông Trần Huy Thanh Tùng nhận mức thu nhập lần lượt là 1,343 tỷ đồng và 1,236 tỷ đồng trong năm 2022.
Ông Tùng là một trong 5 thành viên sáng lập Thế giới Di động, phụ trách mảng tài chính, hiện đang đảm nhận chức Tổng Giám đốc MWG.
Đáng chú ý, dù là thành viên không điều hành nhưng ông Robert Willet- Thành viên HĐQT lại nhận mức thù lao cao nhất (2,234 tỷ đồng).
Luong thuong cua lanh dao MWG the nao giua luc doanh nghiep lam an sa sut?
 Ông Nguyễn Đức Tài.
Chế độ ESOP luôn bị tranh cãi
Trên thực tế, lãnh đạo Thế Giới Di Động sẽ có mức thu nhập cao hơn công bố ở trên rất nhiều, chủ yếu đến từ khoản cổ phiếu thưởng hàng năm. Ngoài ra, các thành viên người Việt trong HĐQT đều sở hữu lượng lớn cổ phần của công ty, ông Nguyễn Đức Tài và các công ty/cá nhân liên quan đang nắm cổ phần chi phối.
Sắp tới đây, dự kiến 7-8/4, MWG sẽ triệu tập ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 nhằm thông qua một số nội dung quan trọng.
Tại đây, cổ đông sẽ thông qua nhiều nội dung quan trọng, bao gồm kế hoạch kinh doanh hàng năm của công ty; báo cáo tài chính hàng năm; báo cáo của hội đồng quản trị về quản trị và kết quả hoạt động của MWG; phương thức chi trả cổ tức dựa trên kết quả kinh doanh năm 2022.
Một nội dung khác đáng chú ý là phương án phát hành cổ phiếu cho ban điều hành và cán bộ quản lý chủ chốt của công ty và các công ty con dựa vào kết quả hoạt kinh doanh 2023.
Thế Giới Di Động là doanh nghiệp có tần suất phát hành cổ phiếu ESOP ở mức cao. Trước đó vào cuối tháng 3 năm ngoái, công ty này cũng đã phát hành thành công 19,2 triệu cổ phiếu ESOP cho các cán bộ quản lý chủ chốt.
Tuy nhiên, một số cổ đông cho rằng MWG liên tục chia cổ phiếu ESOP cho ban lãnh đạo trong những năm qua có thể tạo ra sự không công bằng với cổ đông.
Trước ý kiến đó, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng ESOP là chính sách chia sẻ thành quả của MWG với các nhân viên đã chiến đấu và tạo ra sự tăng trưởng cho công ty. "Nếu một ngày nào đó, chính sách ESOP không được thông qua thì performance (việc kinh doanh) của công ty đó có vấn đề", vị Chủ tịch khẳng định.
Ông Tài cũng nêu quan điểm rằng việc ESOP tồn tại sẽ giúp cả tập thể có động lực phấn đấu và nỗ lực vì công ty.
Đáp trả ý kiến cho rằng ESOP là không công bằng, ông Tài thẳng thắn: "Thực tế, tôi đã không tham gia vào chính sách ESOP đã hai năm rồi và nếu quý cổ đông cho rằng ESOP khiến các vị thiệt hại thì cá nhân tôi sẽ thiệt hại hơn cả quý vị rất nhiều bởi tôi đang nắm giữ 15% cổ phần tại đây".
Tuy nhiên, ông Tài cho biết vẫn sẽ ủng hộ chính sách này của MWG bởi với vị trí là người lãnh đạo và là cổ đông lớn nhất tại đây, ông hiểu chính sách này đang đem lại điều gì cho tập thể và đem lại gì cho MWG.
Ông Tài cũng nói thêm, con người làm gì cũng có hai động lực đó là tiền và niềm vui. Nếu không còn niềm vui thì có lẽ tôi đã chuyển hướng đầu tư qua công ty khác rồi.
Nên "tôi mong muốn và hy vọng cổ đông hãy ở lại để xây dựng công ty này. Nếu cổ đông và ban điều hành cứ đấu đá nhau hoài sẽ tác động tới sự phát triển của doanh nghiệp", Chủ tịch Nguyễn Đức Tài trải lòng.
Thực tế ông Tài đang nắm 35,13 triệu cổ phiếu, tương đương 2,4% vốn MWG. Khối lượng cổ phiếu của ông tăng trong những năm qua do mua thêm hoặc nhận từ các đợt phát hành cổ phiếu thưởng. Giá trị thị trường khối cổ phiếu này khoảng 1.500 tỷ đồng.
Nhiều khả năng tranh cãi về vấn đề lương thưởng sẽ nóng trở lại trong Đại hội sắp tới vì MWG đang trên đà thoái trào, làm ăn không hiệu quả do lạm phát làm thu hẹp chi tiêu của người dân. Liệu tiếp tục phát hành ESOP để thưởng cho ban lãnh đạo có xứng đáng?
Lợi nhuận quý 4 lao dốc, sa thải số lượng lớn nhân viên
Quý 4 chứng kiến tình hình kinh doanh của MWG sụt giảm mạnh so cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu đạt 30.588 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 619 tỷ đồng, lần lượt giảm 15,4% và 60,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 23,3%, về mức 311,8 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 68,5%, tương ứng tăng thêm 155,1 tỷ đồng lên 381,5 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng 25,1%, lên mức 6.895,5 tỷ đồng
Lũy kế cả năm 2022, MWG báo doanh thu 134.722 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021 nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 16%, chỉ đạt 4.100 tỷ đồng.
Trong năm 2022, MWG đặt kế hoạch doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được, so với kế hoạch đã đề ra, Thế giới Di động chỉ thực hiện được 95% mục tiêu doanh thu và 65% mục tiêu lợi nhuận.
Đáng chú ý, Thế giới Di động còn cho thấy sự khó khăn khi liên tục thu hẹp quy mô nhân sự của công, còn 73.202 nhân viên. Điều này đồng nghĩa chỉ trong vòng 3 tháng, Thế giới Di động đã cắt giảm hơn 7.000 nhân viên, tương đương 4%.
Từ giữa năm 2022, Thế giới Di động đẩy mạnh cắt giảm các hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, đồng thời điều chỉnh quy mô một số chuỗi như Bách Hóa Xanh, AVAFashion và AVAJi.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN