Hệ sinh thái của Tân Cảng Sài Gòn làm ăn ra sao?

Tân Cảng Sài Gòn hướng đến trở thành Tập đoàn kinh tế - quốc phòng hàng đầu Việt Nam về kinh tế biển và logistics.

Tân cảng Sài Gòn là doanh nghiệp quốc phòng an ninh, trực thuộc Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng, Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ.

Tân cảng Sài Gòn hoạt động sản xuất kinh doanh trên 3 trụ cột chính gồm: Khai thác cảng biển, dịch vụ logistics, vận tải và các ngành kinh tế biển, trong đó khai thác cảng là ngành chủ đạo.

Tập đoàn này đang quản lý, điều hành 8 cảng container (trong đó có 3 cảng container hiện đại, lớn nhất Việt Nam), chiếm 55% thị phần container xuất nhập khẩu của cả nước; đứng thứ 18/20 nhóm cụm cảng container có sản lượng lớn nhất thế giới; hiện được đề xuất trong nhóm 7 doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường của nền kinh tế đất nước.

Trong hệ thống bến cảng của Tân Cảng Sài Gòn, Cát Lái là quan trọng nhất, là cảng biển lớn nhất Việt Nam, cửa ngõ thông thương hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước - đóng góp khoảng 18% tổng thu ngân sách của TPHCM. Tân Cảng Sài Gòn đang hướng tới mục tiêu trở thành Tập đoàn kinh tế - quốc phòng hàng đầu Việt Nam trong kinh tế biểu và logistics.

Năm 2022, Tân Cảng Sài Gòn đã hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh với tổng sản lượng container đạt hơn 9,27 triệu Teu container (tương đương 130 triệu tấn hàng hóa), tăng 6,6% so với năm 2021. Doanh thu toàn hệ thống tăng 5,4%, lợi nhuận tăng 16,2%, (đạt trên 4.500 tỷ đồng); nộp ngân sách trên 1.900 tỷ đồng.

He sinh thai cua Tan Cang Sai Gon lam an ra sao?
Tân Cảng Sài Gòn hướng đến trở thành Tập đoàn kinh tế - quốc phòng hàng đầu Việt Nam - Ảnh: icdlongbinh.com 

Hệ sinh thái của Tân Cảng Sài Gòn gồm 20 công ty con và 9 công ty liên kết. Hiện đang có 4 công ty con và 3 công ty liên kết đang có mặt trên sàn chứng khoán, hầu hết đều hoạt động chính trong lĩnh vực logistics.

Cụ thể, 4 công ty con gồm: CTCP Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng (TCL), CTCP Kho vận Tân Cảng (TCW), CTCP ICD Tân Cảng Sóng Thần (IST), CTCP ICD Tân Cảng Long Bình (ILB)

Và 3 công ty liên kết là CTCP Cảng Cát Lái (CLL), CTCP Dịch vụ biển Tân Cảng (TOS) và CTCP Tân Cảng – Phú Hữu (PNP).

Kết quả kinh doanh hầu hết các doanh nghiệp này đều vượt kế hoạch năm 2022. Trong đó, CTCP ICD Tân Cảng Long Bình (ILB) doanh thu thuần đạt 591 tỷ đồng, tăng 11,6% và lợi nhuận sau thuế đạt 97 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2021, hoàn thành 110% kế hoạch doanh thu và 135% kế hoạch lợi nhuận.

CTCP Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng (TCL) doanh thu thuần đạt 1.335 tỷ đồng, tăng 13%; lợi nhuận sau thuế 122 tỷ đồng tăng 8% so với cũng kỳ; hoàn thành 107% kế hoạch doanh thu và 104% kế hoạch lợi nhuận.

CTCP ICD Tân Cảng Sóng Thần (IST) doanh thu thuần đạt 379 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và giảm 9% so với cũng kỳ.

CTCP Tân Cảng – Phú Hữu (PNP) đạt doanh thu 340 tỷ đồng, tăng 3% và lãi sau thuế 41 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5%.

CTCP Dịch vụ biển Tân Cảng (TOS) ghi nhận doanh thu 1.522 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 1% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế giảm 13% đạt 181 tỷ đồng. Dù vậy, công ty đã vượt 29% cả kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2022.

Doanh thu của CTCP Cảng Cát Lái (CLL) gần như đi ngang so với cùng kỳ đạt 264 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại tăng 7% lên 96 tỷ đồng.

Minh Quang (t/h)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN