GIL báo lãi ròng quý 3 đi lùi 79% vì ảnh hưởng đại dịch COVID-19

Lũy kế 9 tháng đầu năm, GIL ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng đồng loạt tăng 8% so với cùng kỳ, đạt gần 2,752 tỷ đồng và 204 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu và lợi nhuận quý 3 đồng loạt lao dốc nhưng nhờ kết quả 6 tháng đầu năm kéo lại đã giúp CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HOSE: GIL) thực hiện được 92% chỉ tiêu doanh thu và vượt 14% chỉ tiêu lãi sau thuế 2021 sau 9 tháng.
Theo BCTC hợp nhất quý 3/2021, GIL ghi nhận doanh thu thuần giảm 31% so với cùng kỳ, xuống còn 629 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn giảm nhẹ hơn kéo biên lãi gộp của doanh nghiệp dệt may này giảm từ gần 19% xuống còn 15%.
Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính của GIL tăng vọt lên gần 29 tỷ đồng, gấp 2.6 lần cùng kỳ, đến từ lãi chênh lệch tỷ giá đã thực hiện và lãi tiền gửi, tiền cho vay.
Bên cạnh đó, chi phí tài chính cũng tăng mạnh, ghi nhận hơn 16 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ ở mức gần 7 tỷ đồng, do lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 54%. Ngược lại, chi phí bán hàng lại giảm 16% do biến động ở khoản chi phí bằng tiền khác.
Kết quả, GIL báo lãi ròng quý 3 giảm 79%, xuống còn 18 tỷ đồng. GIL cho biết nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây cũng là kết quả quý tệ nhất trong hơn 3 năm trở lại đây của GIL kể từ quý 4/2017.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, GIL ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng đồng loạt tăng 8% so với cùng kỳ, đạt gần 2,752 tỷ đồng và 204 tỷ đồng.
Trong năm 2021, GIL dự kiến đem về 3,000 tỷ đồng doanh thu thuần và 180 tỷ đồng lãi sau thuế. Qua đó, doanh nghiệp đã thực hiện được 92% chỉ tiêu doanh thu và vượt 14% chỉ tiêu tiêu lợi nhuận 2021 sau 9 tháng.
Tại thời điểm cuối tháng 9, tổng tài sản của GIL ghi nhận gần 3,081 tỷ đồng, tăng 14% so với con số hồi đầu năm. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng tăng 48%, lên hơn 528 tỷ đồng. Trong đó, chứng khoán kinh doanh ghi nhận hơn 64 tỷ đồng (gấp 4 lần) và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn hơn 464 tỷ đồng (tăng 35% so với đầu năm).
Mặt khác, hàng tồn kho tăng 35%, lên gần 685 tỷ đồng, phần lớn là nguyên liệu vật liệu và thành phẩm. Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn lại giảm 31%, xuống còn 434 tỷ đồng.
Nợ phải trả tại thời điểm này ghi nhận gần 1,626 tỷ đồng, tăng 15%. Trong đó, nợ vay ngắn hạn gần 940 tỷ đồng (tăng 23%) và nợ vay dài hạn gần 18 tỷ đồng (đầu năm không ghi nhận khoản này). Bên cạnh đó, khoản phải trả ngắn hạn khác tăng từ 32 tỷ đồng đầu năm lên hơn 80 tỷ đồng.
Theo FILI

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN