Giá urê, sản lượng cao giúp lợi nhuận 2022 của DPM kỷ lục, tiền mặt khủng

Việc DPM trả cổ tức cao cũng là điều dễ hiểu khi tại thời điểm cuối năm 2022, doanh nghiệp này đang nắm giữ lượng tiền mặt khủng 9 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 66% tài sản ngắn hạn.
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HoSE: DPM) đã công bố KQKD quý 4/2022 với doanh thu đạt 3,9 nghìn tỷ đồng và LNST đạt 1,2 nghìn tỷ đồng.
Trong cả năm 2022, lãi ròng của DPM đạt mức cao kỷ lục 5,6 nghìn tỷ đồng, tăng vọt 79% so năm trước. Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng kết quả tích cực này là nhờ giá bán trung bình urê tăng 44% và sản lượng tiêu thụ urê tăng 10%, vượt xa mức tăng 18% của giá khí đầu vào.
Doanh thu và lãi ròng năm 2022 của DPM lần lượt hoàn thành 106% và 115% dự báo cả năm và vượt kỳ vọng của VCSC.
Gia ure, san luong cao giup loi nhuan 2022 cua DPM ky luc, tien mat khung
 
Tại ĐHCĐ bất thường vào tháng 12/2022, DPM đã tăng cổ tức tiền mặt kế hoạch năm 2022 từ 5.000 đồng/cổ phiếu lên 7.000 đồng/cổ phiếu. Diễn biến này tốt hơn dự báo hiện tại của VCSC khi giả định mức cổ tức tiền mặt năm 2022 là 5.000 đồng/cổ phiếu và tương ứng với mức lợi suất cổ tức 2022 hấp dẫn là 16%.
Việc DPM trả cổ tức cao cũng là điều dễ hiểu khi tại thời điểm cuối năm 2022, doanh nghiệp này đang nắm giữ lượng tiền mặt khủng 9 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 66% tài sản ngắn hạn.
Về kế hoạch 2023, DPM đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 17,4 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 2,7 ngàn tỷ đồng. Kế hoạch này được đặt trong bối cảnh các điều kiện kinh doanh của ngành phân bón không còn duy trì được sự thuận lợi như năm trước.
VCSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ urê trong nước sẽ phục hồi vào năm 2023 do dự báo giá urê sẽ giảm khoảng 25% so cùng kỳ trong năm.
VCSC cũng dự báo sản lượng bán của DPM sẽ đi ngang so cùng kỳ khi tin rằng công ty này sẽ dự trữ một số hàng tồn kho cho năm 2023 và ưu tiên thị trường nội địa hơn thị trường quốc tế sau khi xuất khẩu mạnh mẽ vào năm 2022.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN