FPT tiên phong tổ chức Đại hội cổ đông trực tuyến trong mùa Covid-19

Trong mùa cao điểm của Covid-19, FPT thông báo sẽ họp Đại hội đồng cổ đông theo hình thức trực tuyến và bỏ phiếu từ xa.
 

Mới đây, CTCP FPT (HoSE: FPT) vừa thông báo sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 vào ngày 8/4 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội thay vì địa điểm đã thông báo trước đó.

Để đảm bảo phòng chống lây lan của dịch bệnh Covid-19, ngoài tổ chức cho các cổ đông đến họp trực tiếp, Công ty còn tổ chức họp theo hình thức trực tuyến, các cổ đông thực hiện đăng ký theo dõi trực tuyến và bỏ phiếu từ xa.

Với cổ đông tham dự trực tiếp, để chuẩn bị đại hội chu đáo và an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, FPT cũng yêu cầu cổ đông đăng ký tham dự kể từ ngày 24/3.

FPT tien phong to chuc Dai hoi co dong truc tuyen trong mua Covid-19
 

Theo tài liệu Đại hội được công bố, Công ty lên kế hoạch doanh thu 2020 đạt 32.450 tỷ đồng, tăng 17%; lợi nhuận trước thuế tăng 18% đạt 5.510 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2019 tỷ lệ 20%, trong đó 10% đã trả trong năm 2019 và 10% còn lại thực hiện sau khi Đại hội cổ đông phê duyệt dự kiến trong quý 2.

Cùng với đó, FPT cũng chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Thời điểm thực hiện sẽ cùng với trả cổ tức tiền mặt còn lại của năm 2019. Tổng tỷ lệ cổ tức cho năm 2019 là 35%.

Trong 2 tháng đầu năm, FPT cho biết Công ty đạt 4.182 tỷ đồng doanh doanh thu hợp nhất, tăng hơn 18% so cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 698 tỷ đồng, tăng 22%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế được cải thiện so cùng kỳ, đạt 16,7% (năm 2019 đạt 16,1%). Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 17% khi đạt 452 tỷ đồng.

Trước đó, đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ thúc đẩy giải pháp họp ĐHĐCĐ trực tuyến, bỏ phiếu qua hệ thống bỏ phiếu điện tử. Mùa cao điểm của ĐHĐCĐ thường rơi vào tháng 3, 4 và không loại trừ đây cũng có thể là "đỉnh" của dịch.

Hệ thống bỏ phiếu điện tử (E-Voting) được Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) triển khai từ đầu năm 2017, mục đích ban đầu giúp các cổ đông đảm bảo quyền và lợi ích tại phiên họp thường niên. Vì các nguyên nhân khách quan, nhiều cổ đông không tham dự dẫn tới có trường hợp doanh nghiệp phải hủy họp vì số lượng tham gia không đạt tỷ lệ theo quy định.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, E-Voting trở thành giải pháp được khuyến khích để các cổ đông đảm bảo quyền và lợi ích, nhưng không cần tham dự phiên họp đông người.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN