FPT: Kế hoạch chia cổ tức 40%, chưa có ý định thoái vốn FPT Retail

Ngày 7/4/2022, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 (ĐHĐCĐ) của CTCP FPT (HoSE: FPT) đã thông qua kế hoạch doanh thu tăng 19%, đạt 42.420 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 20,2% lên 7.618 tỷ đồng.
FPT sẽ chi trả cổ tức tỷ lệ 40% (20% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu, tỷ lệ 5:1).  
Tại Đại hội, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT đã chia sẻ về "một chút về cơ hội đang đứng trước FPT". Cơ hội trước nhất là dòng tiền đầu tư công. Gói đầu tư công của Chính phủ dồn dập sau Covid-19, và các gói đầu tư này đầu tư rất nhiều cho cơ sở hạ tầng, cơ hội phát triển quốc gia. Và đầu tư công gắn liền với công nghệ số và chuyển đổi số. Riêng ở TP Cần Thơ - Ngân sách cho đô thị thông minh là gần 1.000 tỷ đồng.
Đó chỉ là một tỉnh TP trực thuộc Trung ương. Trong khi Việt Nam có 5 TP trực thuộc TW, 63 tỉnh thành (54 tỉnh thành đã có nghị quyết về chuyển đổi số). Năm qua FPT đã ký kết với 14 tỉnh thành về chuyển đổi số.  
Còn câu chuyện của doanh nghiệp. Ông Khoa cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam, cả hai nhóm doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ đều doanh nghiệp đều sẵn sàng chi cho chuyển đổi số. Họ thấy rằng đây là cơ hội nghìn năm có một. Năm vừa qua FPT đã tham gia hàng trăm cuộc họp với các tập đoàn lớn, như Masan, Sovico, Đất Xanh... 
Trong đó, Coteccons giao dự án cho FPT, họ không tin FPT làm được. "Cũng giống như cách đây một năm, khi các anh, chị ngồi ở đây cũng thắc mắc không biết chúng tôi có sửa được sàn HOSE hay không. Chúng tôi giải quyết vấn đề sàn HOSE trong 100 ngày. Coteccons đưa ra yêu cầu tương tự và FPT đã làm được. Lần đầu tiên chúng tôi đã chinh phục một khách hàng chuyển đổi số trong 100 ngày", ông Khoa chia sẻ.
FPT đang tiếp cận khách hàng từ khâu tư vấn đến ký hợp đồng lớn và tiếp tục tham gia sâu và dài hạn trong nhiều năm. 1 đồng tiền tư vấn sẽ cần 10 đồng phát triển và 100 đồng vận hành. FPT sẵn sàng cạnh tranh với tất cả đối thủ trên toàn thế giới, dù là những tập đoàn lớn, không phải chỉ từ những quốc gia phát triển, mà còn phát triển vô cùng mạnh như Accenture hay TCS...
FPT: Ke hoach chia co tuc 40%, chua co y dinh thoai von FPT Retail
 ĐHĐCĐ FPT
Bổ nhiệm 3 thành viên HĐQT để nâng tầm quản trị
Năm 2022, HĐQT FPT bổ nhiệm 3 thành viên mới: Ông Hampapur Rangadore Binod, ông Hiroshi Yokotsuka; bà Trần Thị Hồng Lĩnh; đồng thời cũng sẽ chia tay ba thành viên bao gồm: ông Lê Song Lai (bổ nhiệm năm 2012), ông Tomokazu Hamaguchi và ông Dan E Khoo (đồng bổ nhiệm năm 2014). 
Trong đó, ông Hampapur Rangadore Binod sở hữu 36 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ thông tin. Ông là một trong những công thần hàng đầu tại Infosys - công ty CNTT Ấn Độ đứng thứ 4 thế giới theo Brand Finance.
Ông Hiroshi Yokotsuka từng là Chủ tịch của Hiệp hội CNTT Nhật Bản, có gần 50 năm cống hiến trong lĩnh vực công nghệ thông tin, là người dẫn dắt cuộc cải cách toàn diện về CNTT cho Tokio Marine & Nichido Fire Insurance (công ty bảo hiểm hàng đầu Nhật Bản) nói riêng và ngành bảo hiểm Nhật Bản nói chung.
Còn bà Trần Thị Hồng Lĩnh sẽ tiếp quản vai trò trọng yếu, kết nối tầm nhìn lẫn tiềm lực giữa FPT và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC).
Tại đại hội, cổ đông đã có những trao đổi với lãnh đạo của FPT.
Quý 1 ước lãi từ 1.500 - 1.700 tỷ đồng, tăng khoảng 28%
- Năm 2021, khi chúng tôi nhìn thấy hệ thống HOSE do FPT xử lý được vận hành mượt mà và vượt trội. Giấc mơ công nghệ VN có khả năng thành hiện thực. 5 năm trước FPT nói về giấc mơ cá chép hóa rồng thông qua tư vấn chuyển đổi số. Hiện tại Cloud và chuyển đổi số đã khắp nơi. Chúng ta có quyền hy vọng vào blockchain và Metaverse. Tự những dự án FPT trong 5-10 năm tới, FPT định hướng gì?
- Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT: Ước mơ của FPT lớn theo thời gian. Nếu 2 năm trước, chúng ta ước mơ những gì Ấn Độ, Trung Quốc có thể làm được cho thế giới thì Việt Nam cũng làm được. Thì đến hiện tại thì Ấn Độ và Việt Nam công bằng khi cạnh tranh trước các dự án quốc tế.
Đối với Metaverse, quan điểm metaverse của FPT là “thực - ảo là một”. Thực - ảo là sẽ bền vững hơn nhiều các giải pháp chỉ thuần digital. Ví dụ như Meduverse - Education và Metaverse là một công nghệ học mới, làm sao cho trẻ con thích học, học sáng tạo, học hăng say. Thế giới đó phải có Metaverse. Hy vọng thời gian tới các bạn sẽ nhìn thấy Metaverse sẽ nhìn thấy đời sống thực tiễn.
Thật ra, FPT đã làm blockchain từ sớm cho một đối tác quốc tế. Trước đây chúng tôi làm cho khách hàng thì giờ đây sẽ làm cho đại chúng.
Ông Nguyễn Thế Phương - Phó Tổng giám đốc FPT: Ở nước ngoài M&A các công ty tư vấn để giúp FPT gia tăng chuỗi giá trị, M&A trong nước thì có Base, giúp thúc đẩy nhanh các giải pháp phần mềm trong nước.
KQKD chúng tôi ước tính trong quý I/2022, chưa có những con số cuối cùng, doanh thu 9.500 tỷ, tăng trưởng 26%, lợi nhuận 1.500-1700 tỷ, tăng trưởng 26-28%.
FPT có kế hoạch thoái vốn FPT Retail không?
- Ông Nguyễn Thế Phương - Phó Tổng giám đốc FPT: Từ 2017 đã giảm tỷ lệ sở hữu từ đa số thành thiểu số tại FPT Retail và FPT Synnex. Chúng tôi chưa có ý định thoái vốn tiếp theo.
Thị trường Nhật Bản tăng trưởng chậm, kế hoạch tiếp theo dự kiến như thế nào?
- Ông Nguyễn Thế Phương - Phó Tổng giám đốc FPT: Có hai nguyên nhân
Thứ nhất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại địch Covid 19. Mô hình bán hàng truyền thống là kết nối, đưa khách hàng sang tham quan các cơ sở campus tại Việt Nam, để họ tận mắt thấy được nguồn lực của FPT. Trong Covid-19, mô hình này gặp khó về hạn chế đi lại.
Thứ hai, giá trị đồng Yên giảm giá khá mạnh.
Năm 2022, chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số tại thị trường Nhật Bản. Trong quý II hy vọng sẽ gặp gỡ khách hàng được nhiều hơn. Trong quý I, chúng tôi ước tính tăng trưởng 20%.
- Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT: Chúng tôi thay đổi cấu trúc dịch vụ bán hàng. các bạn trẻ sẽ nắm các vai trò kinh doanh chủ lực, ứng dụng công nghệ, làm việc trực tuyến.
Cạnh tranh nguồn nhân lực giữa các công ty công nghệ cả trong và ngoài nước rất nhiều. FPT có kế hoạch nào?
- Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc FPT: Câu chuyện này xảy ra toàn cầu. Hiện tại, có rất nhiều kỹ sư dịch vụ làm việc toàn cầu qua online. Chúng tôi xây dựng một môi trường làm việc tiên phong. Thế hệ GenZ rất đặc biệt, rất khác biệt và đòi hỏi môi trường làm việc giúp thể hiện năng lực của bản thân, của đội nhóm. Bên cạnh đó, còn áp dụng mô hình khoán: làm càng nhiều, hưởng càng nhiều. Và cuối cùng là chương trình phúc lợi, FPT là tập đoàn tiên phong trong nhiều chương trình phúc lợi cho nhân viên.
Chi phí cho mạng viễn thông tăng nhiều hơn, năm 2021 cao hơn 2022. Ban lãnh đạo chia sẻ rõ hơn về các hoạt động đầu tư này?
- Ông Hoàng Việt Anh - Phó Tổng giám đốc FPT: Phía Nam nửa sau 2021 nhu cầu băng thông rất cao. Song song chúng tôi mở rộng quy mô đầu tư. Thứ hai, chúng tôi cũng đầu tư đài trạm.
Thanh toán số trong chuyển đổi số quốc gia. FPT đang làm gì?
- Ông Hoàng Việt Anh - Phó Tổng giám đốc FPT: Trong thời gian qua, FPT Telecom đã triển khai trung tâm thanh toán cho Foxpay. Cách tiếp cận khác, chúng tôi không đốt tiền để có user như các ví điện tử khác. Chúng tôi nhúng nền tảng này vào các giải pháp cho địa phương, doanh nghiệp.
Có kế hoạch mở room cho nhà đầu tư nước ngoài không?
- Ông Nguyễn Thế Phương - Phó Tổng giám đốc FPT: FPT hiện tại vướng một số ngành nghề không thể nới room hơn 49%. Đây là một số ngành nghề không thể tăng room thêm được.
Kỳ vọng biên lợi nhuận hai năm tới của mảng chuyển đổi số như thế nào?
- Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT: Tất cả đơn vị FPT đều về địa phương cùng - chuyển đổi số, bán lẻ, nhà thuốc, FPT Software, FIS… Nhiều địa phương chấp nhận 1% ngân sách của họ cho chuyển đổi số. Chúng tôi làm các sản phẩm như Data Lake, chỉ huy chống dịch, các mảng mới là của FPT.
- Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc FPT: Chuyển đổi số cho địa phương tập trung chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. FPT tập trung khai thác và xử lý dữ liệu. Tỷ trọng phần cứng không còn trong các hợp đồng. Đây là cơ hội cho nền tảng Cloud.
 
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN