FLC bị phong tỏa tài khoản ngân hàng để cưỡng chế hơn 223 tỷ đồng tiền thuế

FLC có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định là hơn 223,6 tỷ đồng. 
CTCP Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) cho biết ngày 1/8 đã nhận được các quyết định của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình về việc cưỡng chế thuế.
Cụ thể, ngày 29/7, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong toả tài khoản của FLC mở tại OCB Chi nhánh Hà Nội, VIB Chi nhánh Quận 1 (TPHCM) và BIDV Chi nhánh Thanh Xuân (Hà Nội).
Do FLC có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định là hơn 223,6 tỷ đồng. 
Trước đó, Cục Thuế Quảng Bình xác nhận FLC vẫn đang nợ tổng cộng 451 tỷ đồng tiền thuê đất, trong đó nợ quá hạn 220 tỷ đồng.
Số tiền nợ quá hạn này là của dự án trung tâm hội nghị, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình, một trong 10 dự án mà FLC Quảng Bình đang triển khai trên địa bàn hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.
Dự án này được tỉnh Quảng Bình cho thuê đất trả tiền một lần, khác với những dự án còn lại được trả hằng năm. Thời điểm tỉnh phê duyệt giá đất và ban hành thông báo nộp tiền là đầu tháng 1/2022. Theo quy định, FLC phải trả 50% tổng số tiền thuê đất chậm nhất trong 30 ngày đầu tiên và 50% còn lại chậm nhất trong 90 ngày. Tuy nhiên, phía FLC đã không thực hiện đúng quy định này.
FLC bi phong toa tai khoan ngan hang de cuong che hon 223 ty dong tien thue
 
Được biết, giữa tháng 7 vừa qua, Bộ Công an đã có văn bản yêu cầu tỉnh Quảng Bình cung cấp các hồ sơ tài liệu liên quan đến 10 dự án mà Tập đoàn FLC đang triển khai trên diện tích gần 2.000ha tại Quảng Bình, trong đó có dự án đang nợ nói trên.
Về tình hình kinh doanh, quý 2/2022, FLC tiếp tục lỗ ròng 643 tỷ đồng, nâng lỗ 6 tháng lên 1.109 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi.
Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 7 vừa qua của FLC cho biết sẽ tái cấu trúc về mặt tài chính cũng như tài sản – nguồn vốn để đảm bảo khả năng vận hành xuyên suốt và ổn định cho các dự án chiến lược, đồng thời cơ cấu về nợ vay để đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn – hiệu quả giữa FLC và các đối tác trong lĩnh vực ngân hàng, tổ chức tín dụng…
Đối với định hướng hoạt động cụ thể, FLC cho biết trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoàn thiện về pháp lý và xây dựng với các dự án đang triển khai, đảm bảo thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư và địa phương, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như Quảng Bình, Quy Nhơn, Sầm Sơn, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh…
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN