Doanh nghiệp thép ôm nhiều tồn kho: Ngồi trên đống lửa

Không có gì khó hiểu về việc gia tăng tồn kho của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thương mại thép, khi nhu cầu và giá thép được dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Trên thị trường hàng hoá, giá thép đang ngày càng tăng mạnh trong nhiều tháng đầu năm và ghi nhận mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Tính đến đầu tháng 4, giá thép đạt 16.000 đồng/kg, tăng 6% so với đầu năm và tăng mạnh so với vùng giá 11.000-12.000 đồng/kg của năm 2020.
Với kết quả này, hàng loạt doanh nghiệp thép thiết lập kỷ lục về sản lượng tiêu thụ và lợi nhuận trong quý 1, bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp đã trữ lượng một hàng tồn kho lớn.
Như khối lượng hàng tồn kho tại Hoa Sen (HSG), theo BCTC gần nhất, chỉ trong 3 tháng đã tăng đến 63% lên 9.067 tỷ đồng, tương đương tăng 3.500 tỷ đồng.
Trong đó, tập chung chủ yếu ở nguyên vật liệu lên tới 3.651 tỷ đồng, tăng 223% so với đầu năm. Tiếp đến là thành phẩm với 2.051 tỷ đồng, chỉ tăng 21%. Như vậy, nhìn chung, HSG đang đẩy mạnh tích trữ nguyên liệu, vật liệu trong kỳ để phòng trường hợp giá thép tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tại Đầu tư Thương mại SMC (SMC) cũng ghi nhận hàng tồn kho trong quý 1 tăng hơn 1.049 tỷ đồng lên gần 2.855 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là nguyên vật liệu tăng thêm 501 tỷ đồng lên hơn 1.123 tỷ đồng; hàng hoá tăng thêm 455 tỷ đồng lên 1.097 tỷ đồng.
Tương tự, Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) cũng đã tăng 429 tỷ đồng lên 2.072 tỷ đồng, trong đó, nguyên liệu, vật liệu tăng thêm gần 92 tỷ đồng lên 347 tỷ đồng; thành phẩm tăng thêm 273 tỷ đồng lên 1.607 tỷ đồng.
Với Thép Nam Kim (NKG), giá trị khoản mục tồn kho thời điểm cuối quý 1 tăng 47% so với hồi đầu năm lên 3.500 tỷ đồng.
Hàng tồn kho của Hoà Phát (HPG) biến động không nhiều và xấp xỉ so với hồi đầu năm khi ghi nhận ở mức 27.750 tỷ đồng, chủ yếu trong hàng tồn kho đó là nguyên vật liệu với gần 15.000 tỷ đồng.
Doanh nghiep thep om nhieu ton kho: Ngoi tren dong lua
 Giá thép tăng cao cũng gây sức ép cho doanh nghiệp khi nắm giữ hàng tồn kho.
Hồi hộp chờ giá thép trong thời gian tới
Không có gì khó hiểu về việc gia tăng tồn kho của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thương mại thép, khi nhu cầu và giá thép được dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Thế nhưng, chiến lược này là dao hai lưỡi, bởi nếu như giá nguyên liệu tiếp tục tăng, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn, nhưng khi giá nguyên liệu bất ngờ đảo chiều sẽ có thể khiến lợi nhuận giảm hoặc thậm chí lỗ lớn do phải đánh giá lại tồn kho.
Nhìn lại quá khứ, trong giai đoạn 2018-2019, giá thép liên tục giảm khiến cho lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp ngành thép lao dốc. Nguyên nhân phần lớn là do doanh nghiệp thép tích trữ lượng hàng tồn kho giá cao giai đoạn trước đó.
Thời gian gần đây, việc giá thép tăng mạnh đã gây ra lo ngại lớn. Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) kiến nghị văn phòng Chính phủ có những biện pháp bảo vệ các nhà thầu xây dựng Việt Nam trong nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản vì tình hình giá thép tăng đột biến một cách phi mã trong quý 1/2021, đặc biệt là những ngày tháng 4 này.
Cụ thể, theo VACC giá thép Việt Mỹ giá bán ở thời điểm quý 4/2020 là 13.145 đồng/kg thì hiện nay giá bán loại thép này tại Đà Nẵng thông báo là 18.370 đồng/kg, tăng 40%.
Giải thích về việc giá thép tăng phi mã, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào thế giới.
Gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên toàn cầu. Chưa kể, ảnh hưởng của Covid-19 nên thời gian giao hàng kéo dài... đẩy giá thép trong nước tăng cao.
Dự kiến năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép, như hơn 18 triệu tấn quặng sắt cho các lò cao; thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện; than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn...
Trước tình hình giá thép trong nước gây ra tâm lý lo lắng trong dư luận xã hội, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có công văn gửi các doanh nghiệp thành viên, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp thép gia tăng công suất, tối ưu nguyên liệu và tiết giảm chi phí sản xuất để bình ổn giá thép trong nước.
Gần nhất, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công Thương đưa ra giải pháp điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép, trong bối cảnh giá thép trong nước tăng rất mạnh.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN