Doanh nghiệp thép có thêm một quý làm ăn khá tích cực

Một số doanh nghiệp đã bắt đầu công bố lợi nhuận nửa đầu năm với kết quả rất tích cực, thậm chí tăng hàng chục lần so với cùng kỳ để ghi nhận các mức đỉnh mới.
 
Là một trong những doanh nghiệp thép hé lộ kết quả kinh doanh là Thép Nam Kim (NKG), công ty thép này ghi nhận doanh thu quý 2 hơn 7.000 tỷ đồng, tăng 203% so với cùng kỳ năm trước nhờ đẩy mạnh kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu.
Biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh từ 4,6% lên 18,6%. Lãi sau thuế gấp 51 lần cùng kỳ năm trước đạt 875 tỷ đồng, lập kỷ lục mới ghi nhận trong 1 quý.
Giải trình kết quả đột biến trên, NKG cho biết doanh thu tăng mạnh nhờ Công ty đẩy mạnh kênh bán hàng trong và ngoài nước. Đặc biệt xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, riêng mặt hàng tôn mạ, 6 tháng qua NKG xuất khẩu 304.597 tấn, tương đương hơn 64% tổng sản lượng sản xuất trong kỳ.
Ngoài ra giá thép tăng mạnh cũng phần nào hỗ trợ cho doanh nghiệp này. Từ đầu năm 2021 đến nay, giá thép trong nước đã tăng 40%-50%. Thép là vật liệu quan trọng với ngành xây dựng khi chiếm 10%-30% tổng giá trị mỗi dự án xây dựng dân dụng. Giá thép tăng phi mã khiến các doanh nghiệp sử dụng loại vật liệu này gặp nhiều khó khăn.
Tương tự, doanh thu quý 2 của Đầu tư Thương mại SMC (SMC) đạt 5.950 tỷ đồng, tăng 62%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 502 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp của SMC cũng cải thiện từ 2,5% lên 11,5%.
Giải trình kết quả trên, công ty cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh khá ổn định, tuy nhiên giá cả liên tục tăng nhanh làm hiệu quả tăng tương ứng. Bên cạnh đó, công ty cũng chủ động nguồn nguyên liệu, đảm bảo năng suất trong sản xuất, gia công và tồn kho luôn ở mức cao, giá vốn thấp.
Song song, SMC cũng tăng tỷ trọng thép thông qua sản xuất và gia công, từ đó cải thiện biên lợi nhuận. Ngoài ra, hoạt động tài chính trong kỳ cũng hiệu quả nhờ lãi vay giảm, sử dụng vốn tiết kiệm, tăng nhanh vòng quay vốn, giảm bớt đầu tư và hoàn nhập dự phòng.
Doanh nghiep thep co them mot quy lam an kha tich cuc
 Nhiều doanh nghiệp thép tiếp tục thu lãi đậm trong quý 2.
Một số doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn cũng có kết quả rất tích cực. Thép Thủ Đức - Vnsteel (TDS) báo lãi bán niên 47 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ và vượt 194% chỉ tiêu cả năm. Thép Vicasa - Vnsteel cũng có lợi nhuận nửa đầu năm hơn 40 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ.
Hay như Thép Mê Lin (MEL) công bố BCTC quý 2 với doanh thu 212 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Song, biên lãi gộp tăng từ 5% lên 17,4% gúp lãi sau thuế đạt 23 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 1,2 tỷ cùng kỳ năm trước.
2 ông lớn ngành thép là Hòa Phát (HPG) và Hoa Sen (HSG) chưa công bố BCTC quý 2 nhưng cũng hứa hẹn lãi kỷ lục. SSI Research ước tính lợi nhuận Hòa Phát quý 2 có thể đạt mức cao kỷ lục 9.700 tỷ đồng, tăng 50%; lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen trong quý 3 niên độ 2020-2021 có thể tăng 390% so với cùng kỳ năm trước đạt 1.550 tỷ đồng.
Lợi nhuận trong nửa cuối năm có thể giảm nhiệt
K ết quả khả quan của doanh nghiệp thép nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) báo cáo sản xuất thép các loại nửa đầu năm tăng 37% so với cùng kỳ đạt gần 16 triệu tấn và sản lượng bán hàng tăng 35% đạt 14 triệu tấn.
Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép niêm yết tại Việt Nam gia tăng nhờ hưởng lợi từ xu hướng tăng của cả nguyên liệu đầu vào (quặng sắt và HRC) và giá thép thành phẩm thông qua tích lũy nguyên liệu đầu vào với giá thấp hơn.
VCSC kỳ vọng đà tăng của giá thép trong 6 tháng đầu năm 2021 sẽ hạ nhiệt và duy trì ổn định ở mức hiện tại, dẫn đến biên lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất thép sẽ giảm trong nửa cuối năm 2021.
Xuất khẩu đang dẫn dắt doanh số thép của Việt Nam phục hồi trong năm 2021. Kích thích tài khóa trên toàn cầu nhằm đối mặt với các tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 đến kinh tế là động lực chính giúp nhu cầu đối với các sản phẩm thép tăng mạnh trên toàn cầu.
Doanh số xuất khẩu thép xây dựng của Việt Nam tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm trước (YoY) tính theo sản lượng trong 5 tháng đầu năm 2021 trong khi doanh số trong nước chỉ tăng 12% YoY. Ngoài ra, tổng doanh số xuất khẩu tấm tôn mạ và ống thép tăng 118% YoY, trong khi doanh số trong nước chỉ tăng 9% YoY.
VCSC cũng cho rằng, chi tiêu của Chính phủ sẽ hỗ trợ hoạt động xây dựng trong nước từng bước phục hồi. Tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 đến kinh tế thúc đẩy Chính phủ Việt Nam tăng cường giải ngân đầu tư cơ sở hạ tầng.
Trong khi VCSC nhận thấy hoạt động xây dựng - đặc biệt là đối với các dự án cơ sở hạ tầng - gia tăng kể từ cuối năm 2020, VCSC dự kiến hiệu quả của các biện pháp kích thích từ Chính phủ sẽ được thể hiện toàn bộ trong năm 2021.
Với kỳ vọng hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng gia tăng vào cuối năm 2021, VCSC dự báo tổng tăng trưởng sản lượng vật liệu xây dựng sẽ phục hồi từ mức cơ sở thấp của năm 2020 để đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 10% YoY trong năm 2021.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN