Doanh nghiệp đề xuất lãi suất huy động và cho vay chênh lệch không quá 2,5%

Ông Sơn đề nghị NHNN điều hành lãi suất linh hoạt, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giảm lãi suất đối với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Đề xuất chênh lệch không quá 2,5% giữa lãi suất huy động, lượng vốn và lãi suất cho vay.
Sáng ngày 12/10, tại buổi gặp mặt của doanh nhân với Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nhân đã có những đề xuất thiết thực nhằm vực dậy nền kinh tế. 
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT FLC, Phó Chủ tịch HĐQT hãng hàng không Bamboo Airways, Ủy viên BTV Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, mong tinh thần chỉ đạo, các chủ trương, quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng sớm đi vào thực tiễn thông qua các văn bản pháp luật, hệ thống pháp luật.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng rất mong các quy định pháp luật về đất đai và nhà ở, hai lĩnh vực vô cùng quan trọng không chỉ cho cộng đồng DN bất động sản nói riêng, DN nói chung cũng như các địa phương, có thể phát huy tiềm năng, lợi thế, tiếp tục có những cơ sở vững chắc, tạo đà cho sự phát triển.
Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, kiến nghị trong các chiến lược quốc gia thành phần sẽ đồng bộ với chiến lược quốc gia phát triển bền vững, ví dụ chiến lược quốc gia về bình đẳng giới có quy định tỉ lệ DN do phụ nữ làm chủ nhưng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội lại không có quy định này. Do đó, rất khó để đồng bộ trong chỉ đạo chung của Chính phủ cũng như sự phấn đấu của phụ nữ.
Bà Minh kiến nghị đưa vào Luật DN khái niệm DN do phụ nữ làm chủ, hiện nay rất nhiều nước đã có khái niệm này như Anh, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Đưa khái niệm này vào sẽ xác định được đối tượng để thực hiện các gói hỗ trợ, các chương trình, dự án một cách tốt nhất, thiết thực nhất, giúp có các số liệu chính xác báo cáo trong các diễn đàn về thúc đẩy bình đẳng giới…
Đồng thời, bà Minh kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những gói hỗ trợ đặc thù cho DN do phụ nữ làm chủ, DN sử dụng nhiều lao động nữ, DN sử dụng lao động người khuyết tật.
Doanh nghiep de xuat lai suat huy dong va cho vay chenh lech khong qua 2,5%
 Thủ tướng Chính phủ gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) 
Còn theo ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, bức tranh kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã trải qua giai đoạn đầy biến động với tác động tiêu cực của đại dịch. Khó khăn chồng chất khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp là không đủ, rất cần Chính phủ có chính sách, giải pháp, tạo cơ chế, môi trường để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong và sau đại dịch. 
Ông Chủ Tập đoàn Sơn Hà, kiến nghị, thứ nhất, Chính phủ cần thực hiện ngay giải pháp phù hợp trên quy mô lớn trong trung và dài hạn, đáp ứng 4 mục tiêu: Tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh chóng; hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, đảm bảo an sinh xã hội.
“Tôi cho rằng cần ổn định chính sách tài khoá, hỗ trợ doanh nghiệp có đủ vốn vượt qua khó khăn; nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ bằng tiền thông qua gói tín dụng, phục hồi sau đại dịch. Chính sách tài khoá cần thực hiện có trọng tâm. Hỗ trợ đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc”, ông Sơn nói.
Ông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất linh hoạt, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giảm lãi suất đối với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Đề xuất chênh lệch không quá 2,5% giữa lãi suất huy động, lượng vốn và lãi suất cho vay.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN