Điểm mặt những công ty có mì ăn liền bị nước ngoài thu hồi

Trước mì Omachi của Masan Consumer, nhiều sản phẩm mì Việt đã từng bị thu hồi ở nước ngoài như mì Hảo Hảo của Acecook Việt Nam, mì khô vị bò gà của Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương.
Ngày 23/8, website của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) đăng tải thông tin về sản phẩm mì Omachi Xốt tôm chua cay do Công ty TNHH Qianyu (Thiên Du) nhập khẩu từ Việt Nam bị trả lại để tiêu hủy do không phù hợp các tiêu chuẩn của thị trường Đài Loan.
Theo đó, lô mì ăn liền nói trên có chất bảo vệ thực vật ethylene oxide chưa được cấp phép sử dụng tại Đài Loan (hàm lượng 0,195 mg/kg được phát hiện trong gói gia vị).
Diem mat nhung cong ty co mi an lien bi nuoc ngoai thu hoi
 Mì Omachi của Masan Consumer bị thu hồi tại Đài Loan. Ảnh: Báo tin tức
Trước thông tin này, Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - đơn vị sản xuất mì ăn liền Omachi) cho biết, kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, công ty không trực tiếp xuất khẩu, hoặc bán sản phẩm mỳ Omachi Xốt tôm chua cay cho đối tác có tên Công ty Qianyu để xuất khẩu cho thị trường Đài Loan (Trung Quốc) như thông tin cảnh báo của TFDA. Doanh nghiệp này đang phối hợp cùng Bộ Công Thương, Bộ Y tế và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác minh và xử lý vụ việc theo quy định pháp luật hiện hành.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên sản phẩm mì của Việt Nam bị cảnh báo và thu hồi ở nước ngoài.
Mì Hảo Hảo bị thu hồi tại Pháp và Ireland
Tháng 12/2021, Cơ quan chức năng của Pháp có văn bản thu hồi một số lô mỳ tôm Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mỳ Đệ Nhất và mỳ lẩu thái của Acecook Việt Nam. Theo thông báo, mì tôm Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mì Đệ Nhất và mì lẩu thái của Acecook Việt Nam có chứa 2-chloroetanol (2- CE, chất chuyển hoá từ ethylene oxide - EO) vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của EU.
Theo tìm hiểu của PV, ngay từ khi mới ra mắt thị trường vào năm 2000, mì tôm Hảo Hảo trở thành sản phẩm được ưa chuộng của hầu hết người tiêu dùng Việt. Năm 2018, mì Hảo Hảo xác lập kỷ là sản phẩm mì gói có số lượng tiêu thụ nhiều nhất Việt Nam trong 18 năm. Thời điểm đó, đây là một con số khiến không ít người cảm thấy choáng ngợp. Chỉ 3 năm sau, mì Hảo Hảo đã nhanh chóng phá vỡ kỷ lục trước và được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là thương hiệu Việt Nam đầu tiên bán ra 30 tỷ gói mì.
Xuất hiện trên thị trường không lâu song mì Đệ Nhất đã tạo được chỗ đứng và chiếm lấy tình cảm của người dùng với giá bán từ 5.000 - 7.000 đồng/gói.
Trước đó, ngày 20/8/2021, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô mì ăn liền do có chứa chất ethylene oxide, trong đó có mì tôm chua cay Hảo Hảo (trọng lượng 77 g, hạn sử dụng đến ngày 24/9/2022) và phở Good (trọng lượng 56 g, hạn sử dụng đến ngày 10/11/2022) của Acecook Việt Nam.
Diem mat nhung cong ty co mi an lien bi nuoc ngoai thu hoi-Hinh-2
Mì tôm chua cay Hảo Hảo của Công ty CP Acecook Việt Nam sản xuất bị thu hồi do chứa Ethlene Oxide. Ảnh: FSAI. 
Năm 2020, sản phẩm phở ăn liền Peacock do Acecook Việt Nam sản xuất cũng bị thu hồi tại Hàn Quốc vì được cho là chứa chất Benzopyrene (một chất gây ung thư).
Mì khô vị bò gà của Công ty Thiên Hương bị thu hồi tại Na Uy
Ngày 28/8/2021, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông báo nhận được thông tin cảnh báo về việc Liên minh Châu Âu (EU) đã thu hồi sản phẩm mì khô vị bò gà có tên tiếng Anh “Dried noodles with chicken – and beefspices”.
Diem mat nhung cong ty co mi an lien bi nuoc ngoai thu hoi-Hinh-3
 Sản phẩm phở khô vị bò gà của Thiên Hương bị thu hồi ở Na Uy. Ảnh: Lao động
Sản phẩm này của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương (Địa chỉ tại số 1 Lê Đức Thọ, khu phố 02, Tân Thới Hiệp, quận 12, TP HCM). Theo đó, sản phẩm mì khô vị bò gà của Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương tại thị trường Na Uy do có chứa 0,052 mg/kg – ppm ethylene oxide (Vi phạm Chỉ thị của EU số 91/414/EEC).
Theo giới thiệu trên website Thienhuongfood.com, Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương tiền thân là Thiên Hương Công ty S.A.R.L được thành lập từ 1964 cùng với nhà xưởng sản xuất bột ngọt Vị Hương Tố, là doanh nghiệp lớn nhất vùng Nam Bộ lúc bấy giờ khi cung cấp sản phẩm bột ngọt cho cả khu vực.
Năm 1972, sau 8 năm hoạt động, Thiên Hương Công ty S.A.R.L chính thức sản xuất mì ăn liền với nhãn hiệu mì Vị Hương. Năm 2000, sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp này chính thức có tên là Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương.
Ngoài nhãn hiệu bột ngọt Vị Hương Tố, Cháo Gà, Cháo Tôm, Cháo Thập Cẩm, Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương còn sản xuất nhiều sản phẩm mì ăn liền với các dòng gia vị như Vị Hương, Life Cup, Yes Mom, Potato, Như Ý, Hương Bếp, Sao Việt...Sản phẩm của công ty cũng xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Công ty còn có chi nhánh phía Bắc tại tổ dân phố Phan Bôi, phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Hoàng Minh (tổng hợp)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN