Đất Xanh (DXG): Vì sao giá cổ phiếu giảm, có nên bắt đáy?

Tâm lý tiêu cực tiếp tục bao trùm trên các bảng giá chứng khoán trong suốt tuần giao dịch đầu tháng 10, áp lực bán tháo quyết liệt trên diện rộng khiến chỉ số không có cơ hội hồi phục, nhóm bất động sản lao dốc mạnh theo thị trường.
Kết phiên 12/10, cổ phiếu DXG của Tập đoàn Đất Xanh nằm sàn ở mức 16.100 đồng/cp, giảm 36% chỉ trong vòng 1 tháng. Nếu so với mức đỉnh hồi cuối tháng 3, DXG mất đến 67% thị giá, vốn hoá thị trường mất gần 18.600 tỷ đồng.
Theo quan sát, cổ phiếu DXG hiện đã trong xu hướng điều chỉnh khi các đường MA20, MA50 đã đồng loạt cắt xuống đường MA100. Hồi giữa tháng 5, giá cổ phiếu DXG cũng đắt cắt xuống dưới đường trung hạn MA200 qua đó tiếp tục phát những tín hiệu tiêu cực.
Trước đà giảm sâu, Chủ tịch Lương Trí Thìn đã ra tay giải cứu nhưng không ngăn được đà giảm. Cụ thể, vị Chủ tịch đã thực hiện mua 5 triệu cổ phiếu DXG trong giai đoạn 23/8-21/9. Các giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh.
Còn khối ngoại bán ròng mạnh DXG trong tháng 9 với giá trị đạt hơn 188 tỷ đồng. Riêng với Dragon Capital, quỹ này đã liên tục thực hiện giao dịch bán cao mua thấp cổ phần Đất Xanh kể từ đầu tháng 6.
Mới đây tại phiên 29/9, Dragon Capital thực hiện mua vào 1,5 triệu cổ phiếu DXG thông qua Amersham Industries Limited tại mức giá sàn 20.000 đồng/cp, nâng sở hữu tại DXG lên 20,1% vốn. Trước đó, trong tháng 7 quỹ này bán ra gần 9 triệu cổ phiếu DXG trong tầm mức 20.000-22.000 đồng/cp.
Dat Xanh (DXG): Vi sao gia co phieu giam, co nen bat day?
Biểu đồ giá cổ phiếu DXG. 
Cổ phiếu sụt giảm sâu có thể đến từ kết quả kinh doanh cùng các chỉ số tài chính kém hiệu quả trong nửa đầu năm. Đến hết 6 tháng năm nay, Đất Xanh mới thực hiện được 30,4% kế hoạch doanh thu và 28,8% kế hoạch lợi nhuận năm đề ra.
Nợ phải trả của doanh nghiệp tại cuối tháng 6 ghi nhận tăng 8% so với đầu năm. Dư nợ vay gần 6.000 tỷ, phải trả ngắn hạn khác (đặt cọc mua căn hộ, thu hộ tiền chủ đầu tư dự án, nhận vốn góp kinh doanh) chiếm hơn 4.500 tỷ, khách hàng mua căn hộ trả trước hơn 2.100 tỷ, chi phí phải trả ngắn hạn khác (chi phí xây dựng, môi giới, lãi vay) khoảng 1.161 tỷ.
Trong 6 tháng cuối năm còn lại, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng không quá lạc quan và dự đoán doanh thu và lợi nhuận năm nay sụt giảm 28% và 24% so với kết quả đạt được trong năm 2021.
Đối với mảng kinh doanh bất động sản, VDSC dự phóng doanh thu cả năm ở mức 4.147 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ. Riêng doanh thu nửa cuối năm đạt 2.387 tỷ đồng, chủ yếu đến từ bàn giao tòa A của dự án Opal Skyline trong quý cuối năm với doanh thu xấp xỉ 1.600-2.000 tỷ đồng.
VDSC cho rằng hoạt động bán hàng của dự án Gem Sky World sẽ chưa đạt được nhiều khởi sắc trong nửa cuối năm nay mặc dù Đất Xanh đã chuyển sang bán đất nền trở lại trong tháng 6.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN