Đang mở thủ tục phá sản, song Beton 6 vẫn lên kế hoạch phục hồi giá cổ phiếu

Beton 6 lên kế hoạch tái cấu trúc các khoản nợ phải trả hiện có, triển khai kế hoạch phục hồi thị giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nâng giá trị vốn hóa của Công ty.
Ngày 30/12 tới, CTCP Beton 6 (UPCoM: BT6) mới tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 với mục tiêu doanh thu đạt 70 tỷ đồng và bỏ ngỏ chỉ tiêu lợi nhuận. 
Beton 6 cho biết, giai đoạn 2021-2023 công ty chuyển trọng tâm sản xuất dần từ sản phẩm sản xuất theo công nghệ truyền thống sang các sản phẩm sản xuất theo công nghệ mới, công nghệ cao với biên lợi nhuận tốt như Segment, dầm U lắp ghép, cống kích, cống vòm lắp ghép, tuabin lắp ghép... Triển khai các sản phẩm công nghệ mới như Nhà lắp ghép; Dự án mới như hợp tác đầu tư xây dựng Nhà kho để cho thuê; Dự án mới Trung tâm thương mại, hội tụ các thương hiệu nội thất, vật liệu xây dựng đẳng cấp quốc tế.
Đồng thời, công ty cũng kêu gọi nhà đầu tư chiến lược, hợp tác cùng nhà đầu tư trong và ngoài nước để trở thành tập đoàn đứng đầu ngành xây dựng nội địa. 
Ngoài ra, Beton 6 cũng tái cấu trúc các khoản nợ phải trả hiện có, triển khai kế hoạch phục hồi thị giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nâng giá trị vốn hóa của Công ty.
Dang mo thu tuc pha san, song Beton 6 van len ke hoach phuc hoi gia co phieu
 
Nhìn lại năm 2020, Beton 6 cho biết, trước khi đại dịch Covid diễn ra, tình hình kinh tế tài chính Beton 6 đã khó khăn nay lại càng khó khăn sa sút trầm trọng hơn do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế chung và đại dịch Covid-19. Công ty đã trượt dài trên con dốc thua lỗ nhiều năm, rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, đứng trước áp lực thanh toán nợ từ các chủ nợ, vốn chủ sở hữu bị âm, doanh thu sụt giảm, số nợ phải trả tăng cao hơn tổng tài sản của Công ty.
Đứng trước tình hình đó, đầu năm 2020 Ban lãnh đạo Công ty buộc phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đến Tòa án có thẩm quyền. Hiện tại Beton 6 đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục phá sản nhưng vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Do đó, doanh thu năm 2020 của Beton 6 đạt 89,6 tỷ đồng, vượt 28% so với kế hoạch ban đầu (70 tỷ đồng), tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019 (59,6 tỷ đồng).
Trong đó, doanh thu mảng sản phẩm công nghiệp của năm 2020 là 77,7 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2019 (52,9 tỷ đồng); Doanh thu mảng thi công xây lắp của năm 2020 là 7,6 tỷ đồng tăng 3.591 lần so với năm 2019 (0,002 tỷ đồng); Doanh thu khác năm 2020 là 4,3 tỷ đồng, giảm 35% so với năm 2019 (6,7 tỷ đồng).
Lợi nhuận sau thuế của năm 2020 âm nặng 261,6 tỷ đồng, lỗ nặng hơn so mức 82 tỷ của năm 2019.
Kết quả doanh thu năm 2020 đạt kế hoạch nhưng tình hình tài chính ngày càng sa sút trầm trọng, lỗ càng tăng do nhiều nguyên nhân, điển hình là Beton 6 thực hiện trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi khoảng 137 tỷ đồng. Các dự án lớn bị tạm dừng hoạt động và một số dự án lớn đã hoàn thành xong. Beton 6 vẫn tiếp tục trong tình trạng thiếu nguồn vốn, nội bộ Beton 6 vẫn tiếp tục cải tổ tái cấu trúc nhân sự và hoạt động.
Ngay trong ngày công bố tài liệu đại hội, cổ đông của Beton 6 cũng đồng loạt công bố đã thoái thành công vốn tại Beton 6. Cụ thể, ông Trịnh Thanh Phong, anh ruột của Chủ tịch Trịnh Thanh Huy đã bán hết 1,35 triệu cổ phiếu, chiếm 1,02% vốn BT6. Đồng thời, vợ ông Huy là Vũ Diễm Linh cũng đã bán hết 345.428 cổ phiếu BT6.
Trong khi đó, trên thị trường, cổ phiếu BT6 đóng cửa phiên ngày 16/12 tại mốc 8.100 đồng/cp, ghi nhận tăng 72% trong vòng 1 tháng qua.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN