Đại gia nào đứng sau thâu tóm điện mặt trời Lộc Ninh?

Thông tin Tập đoàn Super Energy (Thái Lan) thông qua mua cổ phần của các Công ty trung gian thâu tóm các dự án điện mặt trời ở Bình Phước (Lộc Ninh 1, 2, 3, 4) đang gây xôn xao dư luận.
Theo một số cơ quan truyền thông, việc thâu tóm các dự án điện mặt trời tại Bình Phước được Tập đoàn Super Energy triển khai theo hình thức tham gia góp vốn với tỷ lệ 49% tại doanh nghiệp trung gian là Công ty cổ phần SSE Việt Nam 1 (SSEVN1). Tiếp đó, Công ty mua lại 51% cổ phần còn lại từ 2 cá nhân là ông Tạ Xuân Thắng và bà Châu Mộng Như với số tiền tối đa 17,8 triệu USD để nắm giữ 100% vốn tại SSEVN1.
Super Energy còn mua 100% cổ phần tại Công ty cổ phần SSELN2, Công ty cổ phần SSEBP3 để sở hữu 100% vốn tại dự án Lộc Ninh 2 và Lộc Ninh 3; mua 100% cổ phần trong pháp nhân New Hold Co 4 (vốn 50 tỷ đồng), qua đó sở hữu 80% dự án Lộc Ninh 4.
Tổng giá trị thương vụ thâu tóm các dự án điện mặt trời của Tập đoàn Super Energy là 456,7 triệu USD, trong đó, khoản chi phí để mua lại cổ phần là 76,05 triệu USD.
Dai gia nao dung sau thau tom dien mat troi Loc Ninh?
Ảnh minh họa. 
Trước thông tin nêu trên, đầu tháng 6 vừa qua, Văn phòng Chính phủ ngay sau đó đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi các Bộ ngành liên quan.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý phù hợp đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh năng lượng.
"Giới đầu tư điện mặt trời trong nước đặt câu hỏi, nếu không đủ năng lực triển khai dự án vì sao không chuyển nhượng trong nước mà bán cho nước ngoài", văn bản nêu.
Đáng chú ý, tại một công văn gửi báo chí, Công ty cổ phần Năng lượng Lộc Ninh khẳng định, SSEVN1, SSELN2, SSEBP3 không liên quan đến các dự án Lộc Ninh 1,2,3,4. Việc Tập đoàn Super Energy mua cổ phần các Công ty này không liên quan đến các dự án năng lượng mặt trời này.
Việc Super Energy công bố thông tin mua cổ phần của Các công ty SSEVN1, SSELN2, SSEBP3 để sở hữu 100% vốn của các nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 1,2,3,4 là không có cơ sở. Công ty cổ phần Năng lượng Lộc Ninh đã có văn bản chính thức yêu cầu Super Energy điều chỉnh lại các thông tin đã công bố trên báo nước ngoài để đảm bảo chính xác và minh bạch.
Ngoài ra, công văn này còn cho biết, đối với các hoạt động của Tập đoàn Hưng Hải (cổ đông của Công ty cổ phần Năng lượng Lộc Ninh), trong nhiều năm, Tập đoàn Hưng Hải luôn nỗ lực để thực hiện triển khai các dự án với tiến độ và chất lượng đảm bảo.
Bên cạnh đó, báo Tiền Phong dẫn thông tin từ UBND tỉnh Bình Phước rằng, Tập đoàn Hưng Hải đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn trên được chia làm 3 giai đoạn với tổng công suất thiết kế khoảng 800 MWp.
Giai đoạn 1 sẽ xây dựng công suất 200 MWp với vốn đầu tư 4.946 tỷ đồng. Hai giai đoạn tiếp theo có vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Chủ trương này đã được UBND tỉnh thông qua và được Bộ Công Thương, Chính phủ phê duyệt cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất 4.000 ha tại huyện Lộc Ninh để làm điện mặt trời.
Được biết, trước đó, Tập đoàn Super Energy đã sở hữu 6 dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Tính đến tháng 3/2020, chỉ riêng 6 dự án này đã có tổng công suất lên tới 286,72 MW, bằng một nửa tổng công suất của 100 dự án điện mặt trời tại Thái Lan mà Tập đoàn Super Energy đang sở hữu gộp lại.
Khánh Hoài (tổng hợp)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN