CII được cấp tín dụng gần 10.000 tỷ, thoái vốn SII và bán cổ phiếu quỹ

Theo CII, việc được Vietcombank chấp thuận cấp tín dụng trung và dài hạn với giá trị lớn gần 398 triệu USD là một thành công lớn của công ty. 
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (HoSE: CII) vừa công bố thông tin Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã phê duyệt tổng hạn mức cấp tín dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng của CII là 9.340 tỷ đồng.
Trong đó, tổng hạn mức cấp tín dụng cho CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội chiếm hơn 2.397 tỷ đồng. Thời hạn vay là 7 năm nhưng không vượt quá ngày 26/11/2029.
Còn tổng hạn mức cấp tín dụng cho CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận là hơn 6.942 tỷ đồng. Thời hạn vay 12 năm nhưng không vượt quá ngày 9/1/2035.
Theo CII, việc được Vietcombank chấp thuận cấp tín dụng trung và dài hạn với giá trị lớn gần 398 triệu USD là một thành công lớn của công ty. Từ đó mở ra cơ hội cho CII tiếp tục thực hiện tái cấu trúc dòng tiền của các dự án đã đi vào khai thác để có thể nhanh chóng thu hồi vốn nhằm tái đầu tư cho các dự án mới cũng như thanh toán cổ tức cho các cổ đông. 
CII duoc cap tin dung gan 10.000 ty, thoai von SII va ban co phieu quy
 
Trước đó hồi tháng 4, Tổng giám đốc CII Lê Quốc Bình cho biết, số tiền này Công ty sẽ dùng để tái cấu trúc vốn của hai dự án quy mô lớn của CII. Thứ nhất, chi phí lãi vay sẽ giảm đi. Thứ hai, CII được phép rút tiền song song với khoản vay ngân hàng theo tỷ lệ nợ vay ngân hàng và CII. Quan trọng là CII sẽ có thể làm Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 2 nhờ nguồn vốn huy động được.
Cụm dự án miền Tây có giá trị 1 tỷ USD, hiện chỉ có CII là đủ năng lực làm. Yêu cầu gói thầu 1 tỷ USD đã được Nhà nước đẩy nhanh nhưng phải đến cuối 2024 Công ty mới có thể dự thầu do phải lên thiết kế hạ tầng.
Theo ông Bình, với bối cảnh tín dụng đang bị thắt chặt và các dự án BOT đang có nợ xấu rất lớn ở thời điểm hiện tại, công ty nhận định các ngân hàng sẽ siết dòng tiền và thu trước các khoản lãi, gốc.
Do vậy, năm nay, CII tập trung thực hiện phát hành trái phiếu chuyển đổi để đảm bảo về mặt tài chính nhằm chuẩn bị tái đầu tư từ năm 2024. Bởi đây là thời gian, dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 sẽ được khởi động. Bên cạnh đó, nhiều khả năng TP HCM sẽ được cơ chế đặc thù làm BOT trên nền đường cũ và tình hình thị trường tài chính có thể ổn định hơn.
Cũng theo ông Bình, nếu không thể phát hành thành công thì CII sẽ phải chờ 5-10 năm mới có thể đầu tư trở lại và đánh mất cơ hội ở năm 2024, khi các dự án BOT tái khởi động.
Năm 2023, CII sẽ tập trung khai thác các dự án đã về đích gồm 7 dự án BOT, tòa nhà 152 Điện Biên Phủ và một số dự án bất động sản khác.
Về kế hoạch năm 2023, CII đặt mục tiêu tổng doanh thu 5.155 tỷ đồng và lãi ròng 469 tỷ đồng, lần lượt giảm 30% và 50% so với kết quả của năm 2022.
Gần đây, CII cũng có khá nhiều kế hoạch liên quan đến vấn đề tài chính của công ty trong đó có việc đăng ký bán hết gần 32 triệu cổ phiếu quỹ trong thời gian từ 12/6 đến 11/7 nhằm cân đối tài chính công ty. 
Đồng thời CII cũng đăng ký thoái toán bộ gần 33 triệu cổ phiếu (50,62%) tại CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn (UPCoM: SII) trong thời gian từ ngày 6/6-5/73. Với giá SII chốt phiên 2/6 là 17.200 đồng/cp, ước tính thương vụ sẽ mang về cho CII gần 562 tỷ đồng.
Ông Bình cho biết sau khi thoái vốn SII, CII sẽ đầu tư lại vào CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HOSE: NBB) và một số doanh nghiệp dự án khác.
Trong khi đó, HĐQT CII vừa thông qua việc chấp thuận cho CII được đầu tư vào một doanh nghiệp đang niêm yết trên HOSE và có ngành nghề bổ trợ cho hoạt động đầu tư hạ tầng của CII. 
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN