Chuyện về Ninja Van và hành trình khởi nghiệp của doanh nhân 33 tuổi

Ninja Van hiện chịu trách nhiệm cung cấp hơn một triệu bưu kiện mỗi ngày thay cho một số nhà bán lẻ lớn nhất Đông Nam Á.
Chỉ trong 5 năm, chàng doanh nhân 33 tuổi đã xây dựng một công ty chuyển phát nhanh quốc tế trị giá hàng triệu USD. Tuy nhiên đó không phải là một 'chuyến đi' dễ dàng cho CEO của Ninja Van. Trên thực tế, Chang Wen Lai và những người đồng sáng lập - Boxian Tan và Shaun Chong, đã phải trải qua rất nhiều thất bại để thực sự có thể xác định được tầm nhìn kinh doanh của họ.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2015. Chang Wen Lai đã từ bỏ công việc là một nhà giao dịch để tận dụng thị trường thương mại điện tử đang bùng nổ của Singapore và ra mắt dòng thời trang trực tuyến dành cho nam giới cùng với hai người bạn là Tan và Chong.
"Mỗi khi chúng tôi có một khách hàng trực tuyến, chúng tôi đều đã thốt lên rằng, thật dễ dàng để có được một khách hàng, không có cửa hàng ư, thực sự đó không là vấn đề", anh nói.
Chuyen ve Ninja Van va hanh trinh khoi nghiep cua doanh nhan 33 tuoi
Chang Wen Lai, giám đốc điều hành và nhà đồng sáng lập của Ninja Van  Ảnh: Forbes.
Nhưng rồi những người sáng lập trẻ cũng sớm phát hiện ra, việc bán hàng chỉ mới bắt đầu.
"Sau đó, những vấn đề bắt đầu xảy ra khi chúng tôi phải giao bưu kiện. Tôi nghĩ rằng toàn bộ ngành công nghiệp hậu cần đã không thể đáp ứng được nhu cầu cho thị trường thương mại điện tử tại thời điểm đó", CEO Lai cho biết.
Vì vậy, anh đã quyết định làm một điều gì đó để giải quyết vấn đề này.
Wen Lai đã nghĩ rằng: "Điều này khó đến mức nào? Thực sự chúng ta chỉ cần tải một vài chiếc xe tải là hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề này".
Tuy nhiên sau một thời gian suy nghĩ, anh đã nảy ra một ý tưởng táo bạo, "Tại sao chúng ta không mở một công ty cung cấp dịch vụ hậu cần để giải quyết vấn đề này. Mọi thứ sẽ rất dễ dàng, trong một năm chúng ta sẽ hoàn thành nó và tìm một việc khác để làm".
Vài tuần sau, bộ ba này quyết định sử dụng khoản tiền tiết kiệm để mua một vài chiếc xe tải cũ. Ban đầu, họ điều hành công ty với cái tên Ninja Van, song song với dòng thời trang của họ. Những người doanh nhân trẻ đã hình dung rằng đó là một cuộc chơi có tính kết hợp cao khi sở hữa 2 doanh nghiệp có thể hoạt động, tương tác và hỗ trợ lẫn nhau.
Nhưng sau một năm điều hành cả hai công ty, nhiều khó khăn khiến họ phải đưa ra quyết định đóng cửa việc kinh doanh thời trang để tập trung hoàn toàn vào Ninja Van.
Wen Lai nói rằng, "Chúng tôi nhận ra rằng kinh doanh thời trang không phải là sở trường của mình. Chúng tôi quyết định tập trung vào một doanh nghiệp mà chúng tôi cảm thấy có thể mở rộng tốt hơn nhiều không chỉ ở Singapore, mà trên toàn khu vực".
Trở lại năm 2014, Đông Nam Á là một trong những thị trường thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng trên thế giới, nhờ sự thâm nhập internet và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Tuy nhiên, khi nói đến dịch vụ giao hàng trực tuyến, khu vực này đã bị tụt lại phía sau.
Chuyen ve Ninja Van va hanh trinh khoi nghiep cua doanh nhan 33 tuoi-Hinh-2
Công ty Ninja Van đang ngày càng mở rộng quy mô tại thị trường châu Á  Ảnh: InternSG.
Nhiều tháng sau khi ra mắt dịch vụ tại Singapore, Ninja Van đã mở rộng sang Malaysia và Indonesia vào năm 2015. Vào năm 2016, doanh nghiệp đã có mặt tại Việt Nam, Philippines và Thái Lan. Công ty tuyên bố sẽ có phủ sóng 100% các thị trường đó và có kế hoạch đi vào hoạt động ở Brunei vào cuối năm nay.
Anh tin rằng mô hình dựa trên công nghệ của Ninja Van, cho phép doanh nghiệp này mở rộng quy mô nhanh chóng qua đó sắp xếp và giao hàng một cách hiệu quả, ngay cả ở những địa điểm xa nhất.
Thật vậy, vào năm 2014, Ninja Van đã trở thành công ty hậu cần đầu tiên ở Singapore cung cấp các cập nhật theo dõi thời gian thực. Sau đó, công ty này đã tiếp tục khai thác các thuật toán để tối ưu hóa việc giao hàng và tiết kiệm nhiên liệu. Những đổi mới đó sẽ rất quan trọng khi cạnh tranh tại các thị trường nóng lên.
Ninja Van là một trong những công ty hậu cần, bao gồm GoGoVan, Lalamove và Logivan, đã ra mắt tại châu Á trong vài năm qua và họ không hề có dấu hiệu suy yếu.
Trên thực tế, thị trường hậu cần bên thứ ba Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm hơn 5% trong 5 năm tới, trị giá 55,7 tỷ USD vào năm 2025.
Khi bộ ba sáng lập tiếp tục mở rộng công ty, đạt được lợi nhuận bây giờ sẽ chính là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu. Wen Lai đã cho biết công ty hiện đang có lãi ở một số nước và đang chuẩn bị các kế hoạch mới nhằm đạt được mức lợi nhuận cần thiết.
Chuyen ve Ninja Van va hanh trinh khoi nghiep cua doanh nhan 33 tuoi-Hinh-3
 Sự hợp tác giữa Ninja Van và Grab được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao  Ảnh: Tera.vn,
Ông Kuo-Yi Lim đến từ Monk’s Hill Ventures, một trong những nhà đầu tư ban đầu của Ninja Van, nói với CNBC rằng đó chính là mục tiêu mà ông đã đặt ra cho những nhà sáng lập từ ngay từ thời điểm đầu.
Ông Lim, người mua cổ phần vào năm 2014, đã nói với các nhà sáng lập tập trung vào hai điều: Tăng doanh thu và phát triển một cách bền vững.
"Tôi nghĩ rằng việc tiếp tục tập trung vào việc tăng doanh thu của họ ở mức bền vững sẽ đặt họ vào đúng vị trí để tận dụng mọi cơ hội từ góc độ tài chính", ông Lim nói.
Công ty này cũng đã đạt được thỏa thuận với Grab qua đó cho phép người dùng truy cập dịch vụ giao hàng qua ứng dụng Grab.
Năm 2018, Ninja Van đã nhận được vòng tài trợ series C trị giá 87 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm tập đoàn giao hàng DPD từ châu Âu. Điều đó đã khiến tổng số tiền tài trợ của công ty tăng lên 300 triệu USD, điều mà một số người cho rằng có thể đưa công ty này trở thành một trong những kỳ lân tỷ đô tiếp theo.
Mặc dù vậy, vị CEO của Ninja Van lại cho biết anh muốn đảm bảo 'cuộc hành trình' phải chậm rãi và ổn định.
"Chúng tôi sẽ không phát triển bằng mọi giá mà chúng tôi đang muốn phát triển một cách có trách nhiệm. Đối với tôi, điều đó là rất rõ ràng. Tập trung vào mọi người, tập trung vào khách hàng và xây dựng các dịch vụ xung quanh họ. Hãy làm tốt tất cả những điều đó và bạn sẽ nhận được mức lợi nhuận mà bạn mong muốn", Wen Lai tuyên bố.
Theo Nhà Đầu Tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN