Bí ẩn ông chủ nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam

Nếu được chấp thuận, Biển Cổ Thạch sẽ là dự án điện gió không chỉ lớn nhất Việt Nam, mà còn có quy mô hàng đầu trên thế giới. Dù vậy, nhà đầu tư của dự án 4,4 tỷ USD vẫn là ẩn số với phần đa công chúng.

Dự án 4,4 tỷ USD

Liên danh CTCP Đầu tư HLP - CTCP Xây dựng và Thương mại Đông Sơn - CTCP Năng lượng Mirat Việt Nam ngày 12/6/2019 có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc khảo sát đầu tư Dự án cánh đồng gió Biển Cổ Thạch tại ngoài khơi huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Dự án điện gió Biển Cổ Thạch có diện tích khảo sát 30.264ha, nằm ngoài đường chân triều và cách đường chân triều không quá 20km về phía biển. Tổng công suất dự án 2.000MW với 200 turbine. Tổng mức đầu tư lên tới 4,4 tỷ USD.

Trên cơ sở phiếu chuyển của Thủ tướng Chính phủ, Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công thương) ngày 9/8/2019 có Công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết quan điểm Điện gió Biển Cổ Thạch là dự án quy mô lớn có nhiều đặc thù liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, năng lượng, môi trường, vận tải, an ninh, quốc phòng.

Cơ quan này đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận có ý kiến đối với dự án để xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Do là dự án có quy mô rất lớn, phức tạp, các cơ quan chức năng của Bình Thuận đã tiến hành nhiều cuộc họp để thảo luận. Một số ý kiến đưa ra với nhà đầu tư như dự án chồng lấn với Khu bảo tồn biển Hòn Cau; ranh giới vị trí toạ độ từ điểm C08 đến C09 của giai đoạn 1 dự án nằm trong phạm vi vùng nước cảng biển Bình Thuận, ranh giới vị trí toạ độ từ điểm C01 đến điểm C02 của giai đoạn 2 dự án nằm chồng lấn với phạm vi hoạt động của tuyến vận tải ven biển SB; đồng thời, tại khu vực đề xuất dự án có lượng tàu thuyền rất đông, đặc biệt các tàu trọng tải lớn ra vào Cảng Quốc tế Vĩnh Tân, các tàu vận chuyển nhiên liệu vào cung cấp cho các Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.

Ngoài ra, dự án có quy mô 30.264ha chưa có trong Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Bình Thuận đã được Chính phủ xét duyệt. Về quy hoạch không gian biển, quy hoạch này hiện nay Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập và trình Chỉnh phủ xem xét, Quốc hội phê duyệt, Bình Thuận không có thông tin và không có cơ sở để góp ý với nội dung này.

Ở diễn biến gần đây nhất, Sở Công Thương Bình Thuận ngày 10/3/2020 đã có công văn đề nghị chủ đầu tư dự án báo cáo và cung cấp thông tin, hồ sơ năng lực (tài chính, kinh nghiệm...) để cơ quan này phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận.

Dù cùng gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ vào trung tuần tháng 6/2019, song sau đó không lâu, liên danh nhà đầu tư đã tan rã, khi hai thành viên là Thương mại Đông Sơn và Năng lượng Mirat được xác định là không có khả năng và năng lực để tham gia dự án. Chủ đầu tư lúc này chỉ còn lại duy nhất Công ty HLP.

HLP tự giới thiệu là doanh nghiệp được sáng lập bởi các cổ đông là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực đầu tư năng lượng tái tạo (thuỷ điện, điện mặt trời) và lĩnh vực tài chính ngân hàng. HLP hiện là đối tác hợp tác phát triển và đầu tư các dự án điện gió cùng với các tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới như Tập đoàn GE Renewable Energy - nhà sản xuất turbine điện gió lớn nhất thế giới (liên doanh với HLP đầu tư dự án các nhà máy điện gió ở Quảng Trị với tổng công suất 210MW); APDP - công ty con của quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng hàng đầu thế giới Macquarie Capital đến từ Úc (liên doanh với HLP đầu tư dự án điện gió Tà Năng trên 300MW tại Lâm Đồng).

Nếu được chấp thuận, Biển Cổ Thạch sẽ là dự án điện gió không chỉ lớn nhất Việt Nam, mà còn có quy mô hàng đầu trên thế giới.

Bi an ong chu nha may dien gio lon nhat Viet Nam
 Năng lượng tái tạo là vô tận, tuy nhiên vị trí đặt nhà máy hiệu quả  thì lại là tài nguyên hữu hạn. Việc lựa chọn nhà đầu tư không những phải đảm bảo dự án được triển khai khả thi, mà còn phải bảo đảm tuyệt đối vấn đề chủ quyền, an ninh quốc gia

Vậy thì, HLP của ai?

Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, CTCP Đầu tư HLP (HLP Invest) được thành lập tháng 9/2017, có vốn điều lệ chỉ 3 tỷ đồng, đăng ký hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện. 7 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Mạnh Cường (38%), ông Trương Việt Hùng (35%), ông Trần Văn Hải (10%), bà Đỗ Thu Trang (7%), ông Nguyễn Như Nam (3%), ông Bùi Xuân Huy (3%), bà Phạm Thị Đông (2%) và bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa (2%).

Ngoài vai trò quan trọng nhất của ông Nguyễn Mạnh Cường, thì những cái tên còn lại cũng có nhiều chi tiết đáng chú ý.

Chẳng hạn ông Trần Văn Hải là Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh - chủ sở hữu một số nhà máy thuỷ điện ở Tây Nguyên. Doanh nhân sinh năm 1978 từng có thời gian nắm giữ chức vụ Trưởng phòng Tài chính tại Tập đoàn Việt Phương, và hiện còn là Thành viên BKS Tổng công ty Dược Việt Nam - nơi Việt Phương Group của đại gia Bắc Ninh Phương Hữu Việt đang là cổ đông chiến lược. Cùng với đó, ông Bùi Xuân Huy cũng có những mối quan hệ tín dụng khăng khít với VietABank - nhà băng nằm trong hệ sinh thái của Việt Phương Group. Hay như bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa là phu nhân của ông Đỗ Đức Hồng Hà, còn bà Phạm Thị Đông là phu nhân ông Nguyễn Tiến Hưng...

Đến cuối năm 2018, vốn cổ phần của HLP được tăng mạnh lên 90 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu cơ bản giữ nguyên, tuy nhiên cổ đông lớn thứ hai - ông Trương Việt Hùng đã rút hết 35% vốn. Dù vậy, diễn biến này không đồng nghĩa với việc doanh nhân quê Bắc Ninh rút khỏi "game" HLP, khi vợ ông - bà Đào Thị Hảo vẫn là mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái do ông Nguyễn Mạnh Cường đứng đầu. Có một điều khá bất ngờ là dù sở hữu hàng chục tỷ đồng vốn góp trong các công ty thành viên của HLP Invest, song vợ chồng ông Trương Việt Hùng lại thuộc diện đối tượng được mua nhà ở xã hội tại một dự án ở Quận Long Biên, Hà Nội.

Kể từ khi thành lập, đặc biệt từ cuối năm 2018, HLP Invest đã bỏ cả nghìn tỷ đồng góp vốn thành lập nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại các địa phương như CTCP Điện gió HLP Quảng Trị (vốn 99 tỷ đồng), CTCP Điện mặt trời HLP Hoà Phú (vốn 207 tỷ đồng), CTCP Điện gió HLP Krông Năng (vốn 89 tỷ đồng), CTCP Điện gió HLP Mang Yang (79 tỷ đồng), CTCP Điện mặt trời Hoà Phú I (vốn 26 tỷ đồng), CTCP Điện mặt trời Hoà Phú II (vốn 28 tỷ đồng). Ngoài ra, một mắt xích quan trọng là CTCP Phong Tài Tây Nguyên được thành lập tháng 10/2018, có vốn điều lệ lên tới 400 tỷ đồng - là công ty mẹ của CTCP Điện gió PTTN Đak Pơ (89 tỷ đồng), CTCP Điện gió PTTN Ea Hleo (vốn 79 tỷ đồng).

Tham vọng năng lượng của HLP Invest là rất lớn, không chỉ nhìn từ siêu dự án 4,4 tỷ USD đang xin cấp phép ở Bình Thuận. Đầu năm 2019, HLP Invest và Mirat Energy - đối tác "hụt" trong dự án Biển Cổ Thạch đã ký kết thoả thuận hợp tác hai dự án điện gió ở Đăk Pơ và Mang Yang (Gia Lai) với tổng công suất 400MW, diện tích khảo sát mỗi dự án lên tới 3.000ha. Liên danh này cũng thoả thuận phát triển chuỗi 5 dự án điện gió 100MW tại Lâm Đồng trên khu vực khảo sát khoảng 5.700 ha.

Nhìn vào danh sách công ty thành viên vừa được đề cập ở trên, không bất ngờ nếu HLP Invest sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động ở nhiều địa phương khác trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, lưu ý rằng theo cập nhật tại đăng ký kinh doanh thay đổi gần đây nhất (15/10/2018), HLP Invest chỉ có vốn điều lệ 90 tỷ đồng, hay theo báo cáo của nhà đầu tư này gửi chính quyền tỉnh Bình Thuận, vốn chủ sở hữu tới cuối năm 2018 là 1.347 tỷ đồng. Đây là những chỉ số rất nhỏ đặt cạnh tham vọng năng lượng khổng lồ của doanh nghiệp Hà Thành, mà chỉ riêng dự án Biển Cổ Thạch đã lên tới 4,4 tỷ USD, tương đương cả trăm nghìn tỷ đồng.

Sự "chênh vênh" đặt vấn đề liệu có việc nhà đầu tư xin dự án để chuyển nhượng hay không? Theo nguồn tin của Nhadautu.vn, đây cũng là lo ngại của UBND tỉnh Bình Thuận. Băn khoăn này không phải không có cơ sở, khi nhóm nhà đầu tư của ông Nguyễn Mạnh Cường từng xin một dự án điện mặt trời, song đã nhanh chóng bán lại một tập đoàn Trung Quốc vào đầu năm 2019, sẽ được Nhadautu.vn đề cập rõ hơn trong bài viết tới.

Theo Xuân Tiên/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN