Bến xe Miền Đông có vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng hoạt động sau 5 lần trễ hẹn

Kể từ ngày 10/10, Bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động, giai đoạn 1 sẽ di dời các tuyến từ Quảng Trị trở ra.

Sở Giao thông - Vận tải TP HCM (Sở GTVT) vừa thông báo kể từ ngày 10/10, Bến xe Miền Đông mới (quận 9) sẽ đi vào hoạt động.

Theo đó, ở giai đoạn 1, các tuyến vận tải hành khách đến và đi từ các tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc, có hành trình chạy xe qua quốc lộ 1 từ Bến xe Miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) sang Bến xe Miền Đông mới (quận 9) kể từ ngày 10/10.

Cụ thể, hành trình chạy xe của xe khách đi và đến Bến xe Miền Đông mới trên địa bàn thành phố như sau:

Hành trình xe chạy đi quốc lộ 1: Bến xe Miền Đông mới – quốc lộ 1 (đi qua theo hướng qua cầu Đồng Nai) và ngược lại.

Hành trình đi cao tốc: Bến xe Miền Đông mới – đường Hoàng Hữu Nam – đường D400 – quốc lộ 1 – điểm quay đầu xe trước Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố - quốc lộ 1 – Xa lộ Hà Nội – đường D1 Khu Công nghệ cao – đường D2 Khu Công nghệ cao – cầu Phú Hữu – Vành đai 2 (đường Võ Chí Công) – vòng xoay Phú Hữu – đường cao tốc TP.HCM- Long Thành – Dầu Giây đoạn thuộc địa phận TP HCM và ngược lại.

Ben xe Mien Dong co von dau tu 4.000 ty dong hoat dong sau 5 lan tre hen
 Toàn cảnh Bến xe Miền Đông mới.

Bến xe Miền Đông mới khởi công tháng 4/2017 trên diện tích 16 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.

Toàn bộ công trình được thiết kế kiến trúc hiện đại, trở thành bến xe lớn nhất nước, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm.

Công trình gồm khu A là bến bãi, công trình công cộng ; khu B trạm xe buýt (cao 2 tầng); khu C kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); khu D thương mại dịch vụ (cao 15 tầng). Riêng nhà ga được xây dựng với kết cấu gồm 2 tầng hầm và 4 tầng nổi.

Công trình dự kiến khai thác từ Tết Nguyên đán 2018, sau đó lùi đến đầu năm 2019, rồi gia hạn đến 15/8/2019. Lần gia hạn gần nhất hồi cuối tháng 4 năm nay và hiện là lần thứ 5 bến xe lùi thời gian khai thác.

Gia Lai

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN