Ảnh hưởng giãn cách, Imexpharm báo lãi giảm 14% trong tháng 8

CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) cho biết doanh thu thuần và thu nhập trong tháng 8 của Imexpharm đạt 94,1 tỷ đồng, giảm 11,8% so cùng kỳ.
Trong khi đó, nếu chỉ tính doanh thu thuần của Công ty là 93,8 tỷ, giảm 11,9%. Lợi nhuận trước thuế của Imexpharm tháng 8/2021 đạt 17,2 tỷ đồng, giảm 14,4% so với cùng kỳ.
Doanh thu thuần và thu nhập lũy kế của 8 tháng đầu năm 2021 là 793,9 tỷ đồng tăng 0,9% so với cùng kỳ và bằng 51,9% kế hoạch năm. Tuy nhiên, doanh thu thuần chỉ đạt 779,3 tỷ đồng, giảm 0,2% so với 8 tháng đầu năm 2020. Lợi nhuận cũng giảm 0,1% và bằng xấp xỉ 50% kế hoạch năm.
Doanh thu của Imexpharm đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các lệnh giãn cách, hạn chế đi lại từ tháng 7 và giảm sâu trong tháng 8, kéo theo đó lợi nhuận trước thuế lũy kế 8 tháng đầu năm 2021 cũng giảm, nhưng chỉ giảm nhẹ.
Anh huong gian cach, Imexpharm bao lai giam 14% trong thang 8
 Nguồn: IMP.
Tỷ trọng kênh OTC và ETC trong tháng 8 vẫn duy trì ở mức 61%/39%. Hàng Imexpharm chiếm tỷ trọng cao ở mức 95%. Doanh thu hàng nhượng quyền và hàng mua khác đều giảm so với cùng kỳ.
Giá vốn hàng bán trong 8 tháng đầu năm 2021 giảm 2,4%, nhiều hơn so với tốc độ giảm của doanh thu. Imexpharm thực hiện kiểm soát chặt các chi phí bán hàng và chi phí quản lý, nhưng do các khoản chi cho các hoạt động hỗ trợ bán hàng trước thời điểm dịch bệnh bùng phát nên chi phí bán hàng của 08 tháng đầu năm 2021 tăng 12,8%, trong khi chi phí quản lý chỉ tăng 1,9%.
Hoạt động kinh doanh của Imexpharm trong tháng 8 bị ngưng trệ do ảnh hưởng của các lệnh giãn cách xã hội. Việc di chuyển ở các tỉnh phía nam gặp nhiều khó khăn, chính vì thế kênh ETC sụt giảm nghiêm trọng do người dân hạn chế đến bệnh viên.
Tuy nhiên, phương châm của công ty tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng dịch của chính quyền địa phương, đồng thời đặt sức khỏe và an toàn của tất cả các nhân viên Imexpharm lên trên hết.
Tình hình dịch bệnh ở các tỉnh phía nam dần được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Doanh số bán hàng của Imexpharm chỉ có thể phục hồi dần khi các tỉnh này bắt đầu mở cửa trở lại.
Tình hình hiện tại theo nhìn nhận của Ban điều hành vẫn còn rất thách thức, đặc biệt khi Imexpharm có 20 chi nhánh bán hàng trên cả nước và rủi ro gián đoạn hoạt động kinh doanh do dịch bệnh luôn hiện hữu.
Hàng tồn kho và công nợ dự báo sẽ tăng trong những tháng cuối năm do công ty tăng mức dự trữ nguyên vật liệu do chuỗi cung ứng đứt gẫy để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và do các hoạt động sản xuất chỉ dần dần được khôi phục lại sau thời gian dài gián đoạn, đồng thời Công ty sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hàng tồn kho và công nợ để hạn chế rủi ro và đảm bảo các mục tiêu sản xuất kinh doanh đã đề ra.
Tiến độ xét duyệt nhà máy IMP4 đang đi đúng hướng đề ra, Imexpharm đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn và đối tác để đảm bảo nhà máy IMP4 được xét duyệt trong quý 4/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát.
Hoạt động sản xuất 3 tại chỗ vẫn sẽ được áp dụng tại các nhà máy IMP1,2,3 và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN