Vụ ông Nguyễn Thành Tài giao 'đất vàng': Công an đang thu thập hồ sơ về dự án Nông trường Dừa

Ngoài sai phạm liên quan đến dự án số 8 - 12 Lê Duẩn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thu thập hồ sơ, tài liệu, xác minh về dự án Nông trường Dừa (phường Long Trường, quận 9, TP HCM). 

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao, đề nghị truy tố ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó chủ tịch UBND TP HCM giai đoạn 2008-2011), Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM), Nguyễn Hoài Nam (nguyên Bí thư Quận ủy quận 2), Trương Văn Út (nguyên Phó phòng quản lý đất Sở Tài nguyên và Môi trường) và Lê Thị Thanh Thúy (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Tháng Năm và Công ty Lavenue).

Các bị can bị truy tố cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, với khung hình phạt từ 10-20 năm tù.

Theo đó, trong thời gian giữ chức vụ Phó chủ tịch Thường trực UBND TP HCM từ năm 2008 đến năm 2011, ông Nguyễn Thành Tài được giao phân công phụ trách lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc, đầu tư xây dựng, quản lý nhà.

Ông Tài nhận thức rõ khu đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1) là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, được điều chỉnh theo quyết định 09, được sửa đổi, bổ sung tại quyết định 140 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Tuy nhiên, do muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án thuộc sở hữu Nhà nước và có mối quan hệ tình cảm với bị can Thúy, ông Tài đã ký nhanh, ký nhiều văn bản chỉ đạo, chấp nhận theo đề xuất của Công ty Quản lý kinh doanh nhà, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM trái với các quy định của pháp luật.

Vu ong Nguyen Thanh Tai giao 'dat vang': Cong an dang thu thap ho so ve du an Nong truong Dua
 Ông Nguyễn Thành Tài 

Cụ thể, chấp thuận đề xuất của Công ty Quản lý kinh doanh nhà cho thành lập pháp nhân mới để đầu tư dự án. Chấp nhận cho Công ty Hoa Tháng Năm được tham gia 30% vốn góp tại dự án, không thẩm định kinh nghiệm, năng lực tài chính, bản chất là chuyển dịch tài sản đang thuộc quyền quản lý khu đất từ Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân. 

Trong quá trình điều tra bị tạm giam, ông Tài thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội. Cụ thể thừa nhận rằng việc ký văn bản, quyết định trái với quy định của pháp luật là do muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và do mối quan hệ tình cảm từ trước đối với bà Thúy.

Đối với bị can Thúy đã lợi dụng mối quan hệ tình cảm với ông Tài đã ký văn bản gửi Công ty Quản lý Kinh doanh nhà, tự nhận công ty có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, nhà hàng... Từ đó, bà Thúy đã xin được tham gia dự án 8-12 Lê Duẩn với động cơ, mục đích trục lợi cá nhân, không phải cạnh tranh, không đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án….

Bà này đã ký văn bản gửi Thường trực UBND TP HCM đề xuất áp dụng hai hình thức cho thuê đất và giao đất khi thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khu đất 8-12 Lê Duẩn gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn cho nhà nước.

Hành vi của ông Nguyễn Thành Tài là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại Nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng (tại thời điểm khởi tố vụ án).

Vu ong Nguyen Thanh Tai giao 'dat vang': Cong an dang thu thap ho so ve du an Nong truong Dua-Hinh-2
 Cỏ mọc um tùm tại dự án Nông trường Dừa, quận 9.

Ngoài sai phạm liên quan đến dự án trên, quá trình điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thu thập hồ sơ, tài liệu, xác minh về dự án Nông trường Dừa (phường Long Trường, quận 9, TP HCM). Để củng cố tài liệu, chứng minh mối quan hệ tình cảm của bị can Lê Thị Thanh Thúy và bị can Nguyễn Thành Tài.

Đến nay UBND TP HCM đã ra các quyết định hành chính có liên quan đến việc thu hồi khu đất Nông trường Dừa và giao UBND quận 9 quản lý; hủy bỏ văn bản chấp thuận việc thoái vốn của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn và báo cáo Thanh tra Chính phủ về các biện pháp khắc phục, xử lý sai phạm tại dự án.

Đồng thời, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có văn bản đề nghị UBND TP HCM rà soát, thực hiện nghiêm túc các quy định về pháp luật liên quan đến thủ tục pháp lý của dự án Nông trường dừa; xem xét, kỷ luật hành chính nghiêm khắc đối với các cá nhân có sai phạm và thông báo kết quả giải quyết cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Năm 2007, Saigontourist giao Công ty TNHH Sài Gòn Gôn (Công ty Sài Gòn Gôn) đứng tên chủ đầu tư dự án sân gôn tại khu vực 156ha đất công nông trường dừa quận 9. Công ty Sài Gòn Gôn có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó Saigontourist góp 70 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Địa ốc Thành Nhơn (thuộc Tập đoàn Novaland) góp 60 tỷ đồng và 70 tỷ đồng của 2 cổ đông còn lại.

Dự án sân gôn sau đó không triển khai do không nằm trong danh mục các sân gôn dự kiến phát triển được Thủ tướng phê duyệt. Năm 2009, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn xin chuyển chức năng thành Khu hội nghị và du lịch sinh thái Sài Gòn. Sau đó, Công ty Sài Gòn Gôn nhiều lần xin chuyển chức năng dự án sang Khu đô thị và du lịch sinh thái Eastern Sense, cuối cùng chuyển thành Khu đô thị Eastern Sense.

Gia Lai

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN