TP HCM đề xuất 2 phương án thu thuế nhà, đất thứ hai

TP HCM kiến nghị tăng thu thuế nhà, đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng hoặc bất động sản thứ hai trở lên.

UBND TP HCM vừa xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 (Nghị quyết 54) của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển thành phố.

So với dự thảo trình Chính phủ vào tháng 12/2022, dự thảo thay thế Nghị quyết 54 trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định lần này, UBND TP HCM có cập nhật nhiều nội dung. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất 2 phương án thu thuế nhà đất thứ hai trở lên.

Phương án một, TP HCM kiến nghị thí điểm thu thuế nhà và đất ở mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định mức thuế, phương pháp tính và thời gian áp dụng.

Phương án thứ hai, TP HCM đề xuất tăng mức thu liên quan nhà, đất thứ hai trở lên. Cụ thể, lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà, đất thứ hai trở lên.

TP HCM de xuat 2 phuong an thu thue nha, dat thu hai
 

Mức tăng do HĐND TP HCM quyết định, gồm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (không quá 5 lần mức hiện hành) và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên (không quá 2 lần mức hiện hành); tăng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên từ mức 0,5% giá trị chuyển nhượng lên mức 2%, và mức tối đa chuyển nhượng một hồ sơ từ mức 500 triệu đồng lên một tỷ đồng.

TP HCM đề xuất đưa 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu thuế nhà đất thứ hai trở lên vào ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và thành phố cho đến hết thời gian thực hiện nghị quyết.

Theo UBND TP HCM, phương án thu thuế nhà đất thứ hai trở lên sẽ hạn chế đầu cơ bỏ hoang nhà, đất trong dự án bất động sản, gây lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời là cơ sở để xây dựng chính sách chung sau này. 

Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và cho ý kiến, dự thảo sẽ được gửi lên Chính phủ để trình Quốc hội.

Gia Lai

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN