TP HCM: 3 tháng liên tiếp không có dự án đất nền mở bán

R&D DKRA nhận định trong thời gian tới, nguồn cung căn hộ mới có thể sẽ tăng nhẹ, sức cầu chung toàn thị trường có thể sẽ tăng nhưng khó có sự đột biến.

Đại diện (R&D) DKRA Việt Nam, cho biết dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 2 khiến nguồn cung và sức cầu thị trường nhà ở TP HCM giảm ở cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp.

Với căn hộ, tháng 8 có 5 dự án mở bán mới cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 căn hộ, giảm 33% so với tháng trước. Tỷ lệ tiêu thụ khoảng 70% trên nguồn cung mới.

Sức cầu toàn thị trường (cả sơ cấp và thứ cấp) đều giảm đáng kể so với tháng trước. Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh bùng phát lần 2 kéo dài đã ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế, đồng thời vào đúng tháng 7 âm lịch đã tác động tâm lý người mua.

Với đất nền, thị trường TP HCM có 3 tháng liên tiếp không ghi nhận dự án mở bán mới, nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án mở bán trước đó.

Đại diện DKRA cho biết thị trường thứ cấp vẫn duy trì mức thanh khoản tương đối thấp. Trước tình hình dịch bệnh kéo dài, giá bán cục bộ một số khu vực có dấu hiệu giảm so với tháng trước do nhiều nhà đầu tư bị áp lực về dòng tiền trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.

TP HCM: 3 thang lien tiep khong co du an dat nen mo ban
 Nguồn R&D DKRA 

Ở các thị trường giáp ranh TP HCM, DKRA ghi nhận 18 dự án đất nền mở bán, cung cấp ra thị trường gần 3.000 căn, tăng 91% tháng trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 32%. Tuy nhiên, sức cầu chung toàn thị trường ở mức khá thấp, giảm đáng kể so với tháng trước.

Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nhà đầu tư ưu tiên việc giữ tiền mặt hoặc tâm lý chờ đợi, chưa thực sự mạnh dạn chuyển tiền vào bất động sản. Về lâu dài, đất nền vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng.

Với thị trường sơ cấp, sức cầu, nguồn cung giảm nhưng mặt bằng giá không giảm mà lại tăng, một số dự án căn hộ tăng mạnh. Ở thị trường thứ cấp, trong tháng 8, giá giảm đáng kể, thậm chí nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ.

DKRA cũng nhận thấy tình trạng trong tháng 7, giá nhà ở thị trường thứ cấp giảm cục bộ nhưng tới tháng 8, quy mô giảm giá rộng hơn, diễn ra ở nhiều phân khúc hơn như đất nền, nhà phố, căn hộ.

R&D DKRA nhận định trong tháng 9, nguồn cung căn hộ mới có thể sẽ tăng nhẹ, sức cầu chung toàn thị trường có thể sẽ tăng nhưng khó có sự đột biến. Một số điểm sáng tích cực của thị trường như đợt bùng phát dịch trở lại ở TP HCM cơ bản được kiểm soát, lệnh hạn chế tập trung được dỡ bỏ; các chủ đầu tư đưa sản phẩm ra thị trường nhằm tranh thủ làn sóng khách hàng có nhu cầu tìm mua nhà vào dịp cuối năm.

Với nhà phố, biệt thự, DKRA cho biết nhiều dự án đang trong giai đoạn truyền thông, dự kiến khi lệnh hạn chế tập trung đông người được gỡ bỏ, nguồn cung và tiêu thụ sẽ tăng, tuy nhiên mức tăng không đáng kể.

Trong ngắn hạn, nguồn cung và sức cầu thị trường biệt thự biển và nhà phố/shophouse biển có thể tăng, tuy nhiên mức tăng không đáng kể. Với condotel, theo quan sát của R&D DKRA Việt Nam, nguồn cung và sức cầu thị trường tiếp tục xu hướng giảm từ cuối năm 2019. Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, xu hướng giảm có thể kéo dài đến hết năm nay.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên số lượng doanh nghiệp lĩnh vực kinh doanh bất động sản giải thể nằm trong top đầu với 620 doanh nghiệp.

Đứng sau đó là dịch vụ lưu trú và ăn uống có 589 doanh nghiệp, dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác có 566 doanh nghiệp, vận tải, kho bãi có 431 doanh nghiệp, giáo dục, đào tạo có 396 doanh nghiệp. thông tin truyền thông có 379 doanh nghiệp.

Nhóm doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có gần 3.800 doanh nghiệp.

Trong tháng 8 số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 13.400 doanh nghiệp, tăng 1,5% so với tháng 7. Tuy nhiên, nếu tính chung cả 8 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 88.700 doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 8 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 34.300 doanh nghiệp, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Gia Lai

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN