Tổng Công ty xuất nhập khẩu Bình Dương trục lợi hàng nghìn tỉ từ đất vàng 43ha?

Dù bảng giá đất ở đô thị vị trí 1 năm 2015 ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương được quy định là 24,57 triệu đồng/m2 nhưng Tổng Công ty sản xuất và xuất nhập khẩu Bình Dương bán 43ha đất “vàng” chưa tới 600.000 đồng/m2.
“Bốc hơi” hàng ngàn tỉ đồng
Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập và phát triển Khu Liên hợp Công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Năm 2004, Tổng Công ty sản xuất và xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty Bình Dương - 100% vốn nhà nước, trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương) ký hợp đồng “Đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” với Ban Quản lý Dự án Khu liên hợp Bình Dương với số tiền hơn 414 tỷ đồng cho hơn 567 ha đất.
Đồng thời, Tổng Công ty Bình Dương xin Tỉnh ủy Bình Dương được liên doanh làm dự án trên diện tích 43 ha trong hơn 567 ha đất.
Đến khoảng giữa năm 2010, Tổng Công ty Bình Dương gửi văn bản cho Tỉnh ủy Bình Dương xin được hợp tác với Công ty Âu Lạc thành lập liên doanh để đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án ở khu đất trên. Số tiền góp vào vốn điều lệ của liên doanh tối đa là 60 tỷ đồng, tỷ lệ chiếm giữ trong vốn điều lệ của liên doanh tối đa là 30% và được Tỉnh ủy Bình Dương đồng ý. Liên doanh Công ty Tân Phú chính thức ra đời.
Tong Cong ty xuat nhap khau Binh Duong truc loi hang nghin ti tu dat vang 43ha?
 Lễ động thổ dự án
Sau khi số đất trên được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cấp sổ đỏ, Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất. Cuối tháng 11/2016, Tổng Công ty Bình Dương họp Hội đồng thành viên, thống nhất bán đứt quyền sử dụng 43 ha đất cho liên doanh Công ty Tân Phú. Khoảng một tháng sau, Tổng Công ty Bình Dương chính thức ký hợp đồng chuyển nhượng 43 ha đất cho liên doanh Công ty Tân Phú với giá chỉ hơn 581.000 đồng/m2, thu về hơn 250 tỉ đồng. 
Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại quyết định số 66/2015/QĐ của UBND tỉnh Bình Dương quy định bảng giá các loại đất năm 2016 trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một có mức giá chuẩn đất ở đô thi khu vực này khoảng hơn 3 triệu đồng đến hơn 24,5 triệu đồng/m2 (tùy vị trí và loại đường).
Giá đất thương mại, dịch vụ tại đô thị khu vực trên thấp nhất cũng 1 triệu đồng/m2, cao nhất gần 20 triệu đồng/m2. Trong khi đó, dự án Khu đô thị thương mại - dịch vụ Tân Phú được duyệt có diện tích 43 ha. Tức có 2 loại đất: đất ở và thương mại - dịch vụ. Trong đó, đất ở chiếm hơn 20 ha, thương mại dịch vụ chiếm khoảng 11.000 m2. Như vậy, với giá chuyển nhượng trên, Tổng Công ty Bình Dương đã làm lợi cho liên doanh Công ty Tân Phú hàng ngàn tỉ đồng.
Lộ diện nhóm lợi ích
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc chuyển nhượng 43 ha đất công trên với giá rẻ mạt có dấu hiệu lợi ích nhóm, cố tình làm trái quy định pháp luật. Cụ thể, trước khi Tổng Công ty Bình Dương gửi văn bản cho Tỉnh ủy Bình Dương (21/7/2010) để xin hợp tác với Công ty Âu Lạc thành lập liên doanh thì trước đó ngày 1/7/2010 Tổng Công ty Bình Dương đã bắt tay với Công ty Âu Lạc bằng hợp đồng thỏa thuận thành lập liên doanh mang tên Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú. Trong đó, Tổng Công ty Bình Dương góp 60 tỷ đồng (chiếm 30% vốn điều lệ); Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng (chiếm 70% vốn điều lệ). 
Ngày 27/10/2010, Tổng Công ty Bình Dương ký lệnh chi chuyển 1 tỷ đồng cho liên doanh Công ty Tân Phú. Gần 7 năm sau, Tổng Công ty Bình Dương ký tiếp 2 ủy nhiệm chi, xuất tổng cộng hơn 58 tỉ đồng cho liên doanh Công ty Tân Phú.
Tong Cong ty xuat nhap khau Binh Duong truc loi hang nghin ti tu dat vang 43ha?-Hinh-2
Sau khi thâu tóm đất công, Công ty TNHH Đầu tư - Xây dưng Tân Phú đã vào tay Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh.
Tháng 4/2017, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Phạm Văn Cành ký thông báo số 287 nêu rõ: “Thường trực tỉnh ủy đồng ý chủ trương cho Tổng Công ty Bình Dương chuyển nhượng 30% vốn góp”. Đồng thời đề nghị: “Tổng Công ty Bình Dương phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá đất làm cơ sở đàm phán ký hợp đồng chuyển nhượng”. Việc này chẳng khác nào Tỉnh ủy Bình Dương “bật đèn xanh” cho việc nhập 43 ha đất công vào vốn góp 30% (đáng lẽ phải góp bằng tiền).
Bốn tháng sau, Tổng Công ty Bình Dương chuyển nhượng luôn vốn góp 30% cho Công ty Âu Lạc với giá trên 161 tỉ đồng, giúp công ty này thâu tóm toàn bộ dự án.
Dù việc chuyển nhượng xem như đã xong, nhưng để hợp thức hóa cho việc này, tháng 10/2018, Tổng Công ty Bình Dương vẫn gửi công văn cho Tỉnh ủy Bình Dương xin chuyển nhượng vốn góp 30%, trong đó có quyền sử dụng đất 43 ha.
Sau khi thâu tóm được “đất vàng”, liên doanh Công ty Tân Phú nhanh chóng thay đổi người đại diện pháp luật và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đến ngày 29/6/2018, tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được đăng ký thay đổi lần 6, thông tin chủ sở hữu của liên doanh Công ty Tân Phú bất ngờ lọt vào tay của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM do bà Đặng thị Kim Oanh làm người đại diện pháp luật kiêm tổng giám đốc. Khoảng cuối năm 2018, Công ty Kim Oanh làm lễ động thổ Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Tân Phú (đặt tên thương mại là Dự án Mega City 3) với khoảng hơn 2.000 nền đất, diện tích từ khoảng 60 - 150 m2, giá khoảng trên dưới 2 tỉ đồng/nền.
Tỉnh cho góp vốn nhưng bằng tiền, không phải bằng đất
Theo ông Bùi Minh Thạnh, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương, chủ trương xuyên suốt của Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương là cho Tổng Công ty Bình Dương góp vốn nhưng chỉ góp bằng tiền, không phải bằng quyền sử dụng đất.
Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã phát hiện có dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp làm không đúng chỉ đạo của tỉnh, nên khoảng cuối năm 2018 tỉnh đã ra quyết định thu hồi chủ trương cho Tổng Công ty Bình Dương chuyển nhượng 30% góp vốn tại liên doanh Công ty Tân Phú để làm rõ. Hiện tỉnh đã chỉ đạo thanh tra, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.
Theo PN TPHCM

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN