Những dự án bất động sản đầy tai tiếng ở Bình Thuận

Hàng loạt dự án bất động sản bị phản ánh khuất tất trong việc chuyển đổi mục đích, hoặc xây dựng khi chưa được cấp phép, giao đất không qua đấu giá,… đang tồn tại ở Bình Thuận.
Lùm xùm “biến” sân golf Phan Thiết sang khu đô thị
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc yêu cầu Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát lại việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết sang khu đô thị (thuộc phường Phú Thuỷ, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
Theo đó, những vấn đề cần làm rõ là khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, UBND tỉnh Bình Thuận đã chuyển từ hình thức cho thuê đất sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất cho Công ty CP Rạng Đông (chủ đầu tư) có đúng quy định pháp luật đất đai?
Xem xét nội dung phản ánh của ông Đinh Trung, nguyên Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận về việc xác định giá đất khi chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đô thị có phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường và bảo đảm không gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Cần làm rõ căn cứ pháp luật để UBND tỉnh Bình Thuận không bố trí 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết mà giao cho Công ty CP Rạng Đông kinh doanh bất động sản.
Kiểm tra có hay không việc lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Công ty CP Rạng Đông trong khu du lịch biển Phan Thiết.
Để xử lý vụ việc khách quan, công khai, minh bạch, đúng luật, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban bí thư, Ủy ban kiểm tra Trung ương và Ban Nội chính Trung ương trong tháng 6/2020.
Đây là lần thứ 2 Thanh tra Chính phủ được giao kiểm tra, xác minh, làm rõ các sai phạm trong quá trình chuyển đổi đất đai xây dựng sân golf thành khu du lịch biển Phan Thiết.
Nhung du an bat dong san day tai tieng o Binh Thuan
 Dự án sân golf Phan Thiết "biến" thành khu đô thị có một mặt giáp biển. (Ảnh: TheLEADER).
Theo tìm hiểu của PV, toàn bộ diện tích đất dự án sân golf Phan Thiết rộng 62 ha, được Công ty CP Rạng Ðông mua lại vào tháng 11/2013. Một tháng sau, doanh nghiệp này có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận xin chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị. Đến ngày 1/4/2014, Rạng Ðông thông báo đóng cửa sân golf Phan Thiết.
Tháng 6/2015, tỉnh Bình Thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất toàn bộ diện tích đất của dự án sân golf Phan Thiết thành khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Tuy nhiên, một số cán bộ hưu trí trong tỉnh sau đó đã phản đối việc chuyển đổi mục đích. Trong đó, ông Đinh Trung, nguyên Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng sân golf Phan Thiết sang khu đô thị có nhiều điểm cần làm rõ.
Dự án tồn tại nhiều sai phạm
Trong số dự án bất động sản đầy tai tiếng ở Bình Thuận tiếp tục kể đến là Khu trung tâm thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát, tên thương mại là Queen Pearl Mũi Né do Công ty CP Tân Việt Phát làm chủ đầu tư.
Dự án tọa lạc tại phường Phú Hài (TP Phan Thiết, Bình Thuận), có diện tích hơn 25 ha, bao gồm: 900 căn nhà phố và biệt thự ven biển có diện tích từ 100 m2. Dự án phát triển ba mô hình nhà ở chủ đạo gồm phố Tây, nhà phố đơn lập, song lập.
Nhung du an bat dong san day tai tieng o Binh Thuan-Hinh-2
 Phối cảnh dự án Queen Pearl Mũi Né.
Dự án đã bị cơ quan chức năng “vạch” nhiều sai phạm như: Từng nằm trong danh sách 4 dự án bị Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận yêu cầu ngừng giao dịch khi chưa đủ điều kiện cho phép; trình tự giao đất, phê duyệt và triển khai dự án này nhanh tới mức bất thường; Thanh tra Chính phủ chỉ rõ việc UBND tỉnh Bình Thuận giao đất không qua đấu giá.
Năm 2016, dự án được khởi công trở lại nhưng tiếp tục bị báo chí phản ánh do nghi ngờ là dự án có "vỏ đô thị, ruột khoáng sản", khi chưa nộp tiền sử dụng đất đã khai thác cát đem đi bán?
“Siêu” dự án Aloha Beach Village xây dựng khi chưa được cấp phép
Dự án Aloha Beach Village là khu phức hợp sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tiêu chuẩn quốc tế do Công ty Cổ phần Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Việt Úc làm chủ đầu tư, gồm: trung tâm thương mại với 300 condotel, 50 shophouse, 3.200 căn condotel và biệt thự nghỉ dưỡng ven biển.
Aloha Beach Village có tổng diện tích hơn 15ha, nằm trên trục đường biển kéo dài tới 27km tại xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) với tổng đầu tư 3.200 tỷ đồng.
Nhung du an bat dong san day tai tieng o Binh Thuan-Hinh-3
 Dự án Aloha Beach Village. (Ảnh: Tin Tức).
Tháng 4/2020, một số cơ quan báo chí nêu kết luận thanh tra của Sở Xây dựng Bình Thuận rằng, tại thời điểm kiểm tra, trong thời gian từ 24/10-25/12/2019, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào sử dụng và thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các căn hộ khối nhà Ruby 1,2. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án đã bị chậm so với quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư (hoàn thiện và đi vào hoạt động kinh doanh năm 2017).
Quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã tổ chức thi công xây dựng công trình nhà điều hành, khối Ruby 1, Ruby 2 khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng nên Chánh Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 01/QĐ-XPVPHC ngày 03/4/2017, số 02/QĐ-XPVPHC ngày 26/7/2017.
Chủ đầu tư còn tổ chức thi công xây dựng phần sảnh khối nhà Ruby 1 sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp.
Chủ đầu tư và Công ty phân phối dự án chưa chưa thực hiện đầy đủ quy định tại khoản 4 Điều 67 Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014; chưa thực hiện việc báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu định kỳ hàng tháng về Sở Xây dựng theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 13 của Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Ngoài các dự án trên, khu liên hợp hồ điều hòa, chỉnh trang đô thị và dịch vụ thương mại Hưng Long, tại phường Hưng Long (TP Phan Thiết) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Huy Hoàng làm chủ đầu tư, cũng dính sai phạm vì chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về đầu tư, hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản trong quá trình thực hiện dự án. Tiến độ thực hiện dự án chậm so với quyết định chủ trương đầu tư.
Tương tự, dự án Khu dân cư cầu Sông Lũy tại xã Hòa Phú (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) do Công ty TNHH Xây lắp Hoàng làm chủ đầu tư đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư chậm so với quyết định chủ trương đầu tư.

Tính đến thời điểm ngày 1/9/2019, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 70 dự án kinh doanh bất động sản được chấp thuận đầu tư. Trong đó, có 32 dự án khu dân cư, khu đô thị và 38 dự án du lịch nghỉ dưỡng có kết hợp kinh doanh bất động sản.

Khánh Hoài (tổng hợp)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN