Một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ biến thành nợ xấu

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, dư nợ tín dụng và nợ xấu bất động sản tại TP HCM vẫn còn trong ngưỡng an toàn nhưng tiềm ẩn rủi ro.

Theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố trong 10 tháng đầu năm 2020 vào khoảng 2,42 triệu tỷ đồng (tương đương trên 104 tỷ USD), tăng 5,5% so với cuối năm 2019. Trong đó, nợ trung và dài hạn chiếm 52%.

Theo HoREA, ở lĩnh vực bất động sản, dư nợ tín dụng khoảng 293.750 tỷ đồng (tương đương 12,7 tỷ USD), tăng gần 6% so với cuối năm 2019. Trong đó, nợ xấu của doanh nghiệp bất động sản chiếm 2,7% tổng dư nợ.

Đối với chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, bao gồm gói 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02 ngày 7/1/2013 của Chính phủ, thì dư nợ còn 2.985 tỷ đồng với 8.554 khách hàng, bao gồm hai doanh nghiệp dư nợ 120 tỷ đồng và 8.552 cá nhân, hộ gia đình dư nợ 2.865 tỷ đồng.

Mot so khoan vay tin dung bat dong san co nguy co bien thanh no xau
 Ảnh minh họa.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng dư nợ tín dụng và nợ xấu bất động sản tại TP HCM vẫn còn trong ngưỡng an toàn nhưng tiềm ẩn rủi ro. Đặc biệt, ông Châu lo ngại khả năng một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ chuyển thành nợ xấu, trong đó có cả nguồn vốn đầu tư trái phiếu bất động sản của các tổ chức tín dụng và cá nhân.

"Cần quan tâm đến dư nợ tín dụng tiêu dùng, nhất là đối với một số khoản vay sửa nhà, xây nhà, nhưng chuyển sang kinh doanh bất động sản. Số này chiếm 1,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, cần phải có cơ chế kiểm soát và quản lý phù hợp", ông Châu nhìn nhận.

Chủ tịch HoREA cũng cho biết nhiều rủi ro từ trái phiếu bất động sản. Trong 9 tháng đầu năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có 1.089 đợt phát hành từ 175 doanh nghiệp với tổng giá trị 341.000 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 173.500 tỷ đồng, chiếm hơn 40% và đây là tỷ trọng cao nhất toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

"Thế nhưng, đáng quan ngại là tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 20% số lượng nhà đầu tư và nguồn vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng lớn. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là vào thời điểm đáo hạn trái phiếu", ông Châu nhận định.

Gia Lai

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN