M&A bất động sản đang có xu hướng chậm lại

Đó là đánh giá của đại diện Savills về các hoạt động cả M&A trong một năm qua.

Theo bà Lê Phương Lan, Trưởng Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Hà Nội các hoạt động M&A trong hơn một năm vừa qua có xu hướng chậm lại.

 Lý do chủ yếu nhìn từ góc độ bên bán là nửa cuối năm 2020 - đầu 2021, giá bất động sản nhà ở của Việt Nam không hề giảm. Chính sách tiền tệ được nới lỏng khiến nhiều chủ bất động sản kỳ vọng dịch bệnh sẽ sớm qua và thị trường sẽ hồi phục mạnh, do đó họ tiếp tục giữ lại các bất động sản hoặc định giá bán ở một mức rất cao.

Trong khi đó, đánh giá và kỳ vọng của bên mua không lạc quan như vậy. Họ thận trọng hơn khi xuống tiền đầu tư tại thời điểm này với tâm lý chung là "chờ đợi rồi hành động".

Tiến độ hoàn thành pháp lý của các dự án cũng bị chậm hơn so với dự kiến, trong khi đối với một giao dịch bất động sản, đây là là điều kiện tiên quyết để thực hiện mua bán.

Một lý do khác là nhiều chủ đầu tư mong muốn chuyển nhượng dự án, tuy nhiên lại không có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Hoặc hai bên chưa tìm được tiếng nói chung trong việc thực hiện giao dịch.

M&A bat dong san dang co xu huong cham lai
Ảnh minh họa.

Đại diện Savills nhận định trước đây, nhu cầu M&A dự án diễn ra nhiều ở các khu vực quận trung tâm hoặc tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên quỹ đất tại các khu vực này ngày càng khan hiếm, giá giao dịch đã trở nên quá cao khiến các mô hình tài chính không còn hiệu quả. Do đó nhu cầu và dòng tiền có xu hướng dịch chuyển ra các địa phương lân cận.

Trưởng Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Hà Nội cho rằng nhà ở đô thị là phân khúc mang lại nhiều lợi nhuận và tiềm năng nhất cho các nhà đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam. Nhu cầu đối với khu công nghiệp và logistic cũng tăng nhanh trong 1,5 năm trở lại đây.

Thêm vào đó, các loại bất động sản đã vận hành gồm tòa văn phòng, căn hộ cho thuê có vị trí đẹp, tình trạng vận hành bảo dưỡng tốt, thời gian sử dụng đất còn dài luôn là những tài sản đầu tư ưa thích đối với những nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tìm kiếm dòng tiền dài hạn và ổn định.

Thị trường này cũng ghi nhận giao dịch của các nhà đầu tư kinh doanh ở lĩnh vực khác muốn mở rộng và đa dạng hóa rủi ro bằng việc đầu tư nắm giữ bắt động sản.

Xu hướng M&A khác được chỉ ra ở các lĩnh vực bất động sản khách sạn nghỉ dưỡng, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ thể thao. Số lượng giao dịch M&A ở các loại hình này dự kiến tăng lên ở các thành phố biển du lịch, các vùng lân cận các thành phố lớn, nơi có thiên nhiên ưu đãi và quỹ đất lớn. 

Nhìn dài hạn, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài mới, chưa có hoạt động tại Việt Nam vẫn dành sự quan tâm rất lớn đến thị trường bất động sản. Vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân về khó khăn trong đi lại, khiến họ chưa thể thực hiện thành công thương vụ; khi đại dịch qua đi, làn sóng đầu tư này sẽ gia nhập thị trường. Trong thời gian tới, các thương vụ thành công sẽ nằm tại các dự án đất sạch, pháp lý rõ ràng, các tài sản hoàn thiện đang hoạt động.

Gia Lai

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN