HoREA kiến nghị sửa quy định công nhận chủ đầu tư, gỡ khó cho doanh nghiệp địa ốc

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến việc sửa đổi điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020.

HoREA cho rằng điểm điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi, bổ sung khoản 1, điều 23, Luật Nhà ở 2014) đang cản trở sự phát triển bình thường của thị trường bất động sản.

 Việc sửa đổi, bổ sung này là phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không làm phát sinh thêm đầu luật mới và giải quyết kịp thời khó khăn cho loạt doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung do dịch COVID-19.

Đồng thời, đảm bảo sự phù hợp, thống nhất, đồng bộ giữa Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Đầu tư về “phạm vi điều chỉnh” của quy phạm pháp luật và về công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

HoREA dẫn chứng, trong  giai đoạn 2015-2020, Luật Nhà ở chỉ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với trường hợp duy nhất là nhà đầu tư có 100% đất ở.

Thêm vào đó, nhà đầu tư đã bỏ ra khoản tiền rất lớn để tạo lập quỹ đất, nhưng lại không thể triển khai được, đứng trước nguy cơ “chết trên đống tài sản”, dẫn đến môi trường đầu tư trong lĩnh vực bất động sản thiếu sự minh bạch, công bằng và cạnh tranh lành mạnh.

Cứ 100 dự án nhà ở thương mại thì có không quá 5 dự án có 100% đất ở; có khoảng trên dưới 80 dự án có đất ở và các loại đất khác, còn lại khoảng 10 dự án có đất nông nghiệp hoặc có đất phi nông nghiệp không phải là đất ở nhưng lại thường là các dự án lớn.

Trong 5 năm qua, khoảng 95% tổng số dự án nhà ở thương mại do không có 100% đất ở, nên không được công nhận chủ đầu tư, không thể triển khai thực hiện được dự án.

HoREA kien nghi sua quy dinh cong nhan chu dau tu, go kho cho doanh nghiep dia oc
 Hàng trăm dự án thấp thỏm mong được giải cứu.

Với 126 dự án tại TP HCM không được công nhận chủ đầu tư không thể triển khai thực hiện, nếu các nhà đầu tư vay 70% tổng mức đầu tư, khoảng 88.000 tỉ đồng, với lãi suất 10%/năm thì trong 5 năm qua đã phải trả lãi vay lên đến khoảng 44.000 tỉ đồng, chưa tính các chi phí khác, đặc biệt bị thiệt hại về uy tín thương hiệu và mất cơ hội kinh doanh.

Ngược lại, thiểu số chủ đầu tư dự án có 100% đất ở chỉ chiếm khoảng không quá 5% tổng số dự án nhà ở thương mại, lại có lợi thế và điều kiện để chiếm lĩnh thị trường, có thể “làm giá” và đạt được lợi nhuận rất cao, có thể đạt “siêu lợi nhuận”.

Không chỉ doanh nghiệp bị thiệt hại, những bất cập về quy định trên còn khiến cho Nhà nước thất thu nguồn ngân sách lớn.

Chẳng hạn, với 126 dự án trên nếu giả định mỗi dự án có vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng thì tổng mức đầu tư của 126 dự án sẽ là 126.000 tỉ đồng.

Việc không được công nhận chủ đầu tư 126 dự án này dẫn đến việc Nhà nước bị thất thu 12.600 tỉ đồng thuế giá trị gia tăng (thuế suất 10%), thất thu khoảng 5.000 tỉ đồng thuế thu nhập.

 “Nếu thống kê trong cả nước thì mức độ thất thu ngân sách nhà nước có thể gấp 3 lần vì thị trường bất động sản TP HCM chiếm khoảng 1/3 thị trường bất động sản của cả nước”, HoREA nhận định.

Do đó, hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014) theo hai phương án.

Một là nhà đầu tư có quyền sử dụng, nhận chuyển quyền sử dụng đất ở hoặc các loại đất khác thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở hoặc các loại đất khác phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhà ở đã được phê duyệt .

Hai là nhà đầu tư có quyền sử dụng, nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhà ở đã được phê duyệt.

Trong đó, HoREA kiến nghị chọn phương án thứ hai.

“Nếu được tháo gỡ, luật sẽ giúp kiến tạo môi trường đầu tư trên lĩnh vực bất động sản minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh và đồng bộ với môi trường đầu tư trên các lĩnh vực khác theo quy định thông thoáng của Luật Đầu tư”, HoREA cho hay.

Gia Lai

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN