Hàng trăm khu dân cư 'mọc' tự phát trên đất nông nghiệp trong cơn 'sốt' nóng ở Bình Dương

Hàng loạt công trình nhà ở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, tồn tại hàng trăm khu dân cư tự phát và chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái quy định… Thực trạng này xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có hàng trăm khu dân cư tự phát trên đất nông nghiệp. Mặc dù chính quyền địa phương vào cuộc, tổ chức cưỡng chế nhiều công trình xây dựng sai phạm nhưng tình trạng trên vẫn cứ diễn ra.

Tại Bình Dương, xuất hiện thực trạng khu dân cư, nhà ở không phép nhiều nhất phải kể đến các địa bàn thuộc TX Tân Uyên (99 khu), TX Bến Cát (59 khu), TP Dĩ An (362 khu).

Theo số liệu thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, trên toàn địa bàn có 581 khu, điểm nhà ở tự phát. Đa số các khu nhà này thuộc dạng “nhà không số,” cơ sở hạ tầng yếu kém. Tuy nhiên, các địa phương mới chỉ xử lý, chỉnh trang, loại bỏ khoảng 40 khu, điểm nhà ở tự phát.

Hang tram khu dan cu 'moc' tu phat tren dat nong nghiep trong con 'sot' nong o Binh Duong

Mặc dù chính quyền địa phương dựng bảng thông báo cấm xây dựng nhưng công trình sai phạm vẫn mọc lên

Khi được hỏi vì sao không được phép nhưng vẫn xây nhà trong khu dân cư tự phát, người dân cho biết, họ không dám tự đứng ra xây dựng. “Sau khi mua đất nông nghiệp, chúng tôi được nhà thầu xây dựng hứa mỗi căn nhà hoàn tất từ 200 triệu đồng trở lên và chỉ giao tiền khi dọn về ở. Trong trường hợp, công trình đang xây bị cơ quan chức năng cưỡng chế thì chúng tôi không mất tiền mà nhà thầu mất”, một người dân cho biết.
Trước tình trạng nhiều căn nhà không phép mọc lên và tồn tại trên địa bàn, chính quyền các địa phương cho biết, hầu hết các khu nhà ở tự phát tồn tại trước đây, hiện người dân đang sinh sống nên khó khăn trong việc cưỡng chế.

Bất cập trong quản lý đất nông nghiệp

Theo thông báo kết luận Thanh tra do ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương ký ban hành vào giữa năm 2021 cho thấy công tác quản lý đất nông nghiệp ở một số địa phương bất cập.
Thông báo nêu, UBND huyện Dầu Tiếng chưa tuân thủ nghiêm quy hoạch sử dụng đất khi cho phép một số cá nhân chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp để người dân xây công trình không phép, mặc dù đoàn liên ngành có kiểm tra, phát hiện sai phạm nhưng không ra quyết định xử phạt hành chính.
Thực hiện thủ tục cấp chứng nhận lần đầu, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa có sai sót khi không có tờ trình, văn bản thẩm định, biên bản xác nhận thực địa, đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất, biên bản làm việc xác minh không ghi ngày, tháng, năm, một số nội dung trong các thành phần hồ sơ khác nhau về địa chỉ, diện tích đất.

 

Hang tram khu dan cu 'moc' tu phat tren dat nong nghiep trong con 'sot' nong o Binh Duong-Hinh-2

Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp ở TX Bến Cát

UBND huyện Dầu Tiếng không thực hiện thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Kết luận Thanh tra đề nghị UBND huyện Dầu Tiếng tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm về các khuyết điểm nêu trên.
Kết luận Thanh tra cũng nêu, tại TX Bến Cát chưa tuân thủ quy hoạch sử dụng đất khi tự ý cho phép Công ty L.N chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. Ngoài ra, TX Bến Cát để một số cá nhân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác. Không thu tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa.
Ngoài ra, từ giai đoạn 2014 đến 2015, TX Bến Cát không triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người sản xuất lúa theo Quyết định 06 của UBND tỉnh Bình Dương. Thông báo đề nghị UBND TX Bến Cát kiểm điểm trách nhiệm, tập thể liên quan đến các khuyết điểm nêu trên.
Được biết, 5 tháng đầu năm 2022, Bình Dương đã ban hành 44 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng đối với các dự án đất nền, nhà ở, chung cư trên địa bàn, với tổng số tiền gần 3,8 tỉ đồng.
Hương Chi/Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN