Hà Tĩnh còn đến 294 dự án chậm tiến độ

Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh cho biết các dự án chậm tiến độ là do năng lực một số nhà đầu tư hạn chế, đặc biệt là năng lực tài chính... 

Ha Tinh con den 294 du an cham tien do

Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà trả lời nguyên nhân dẫn tới dự án sử dụng đất chậm tiến độ. Ảnh: dbndhatinh.vn

Ngày làm việc thứ 2 (16/12/2021), kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm lĩnh vực cử tri và đại biểu quan tâm nhiều.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho biết, kỳ họp dành thời gian 1 ngày cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đây là nội dung quan trọng và là diễn đàn của đại biểu HĐND tỉnh trong hoạt động giám sát tại kỳ họp.

4 nhóm vấn đề trả lời trực tiếp tại kỳ họp được lãnh đạo các ngành: Kế hoạch Đầu tư (KH&ĐT), Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lần lượt trả lời.

Về lĩnh vực đầu tư, với nội dung: Thời gian qua, có khá nhiều dự án đầu tư có sử dụng đất đã được chấp thuận nhưng chậm triển khai hoặc quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc, gây lãng phí quỹ đất, ảnh hưởng môi trường đầu tư vào Hà Tĩnh và khó khăn cho nhà đầu tư, Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà thông tin: Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có trên 1.400 dự án đầu tư, trong đó trên 1.326 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 117.000 tỷ đồng và 74 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 13,7 tỷ USD.

Bên cạnh những kết quả tích cực thì việc triển khai nhiều dự án vẫn còn chậm, chưa thực hiện đúng cam kết đầu tư. Hiện nay, trên toàn tỉnh có 294 dự án chậm tiến độ (21,3%), trong đó đã tiến hành thu hồi 50 dự án, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư và ra quyết định xử phạt hành chính 88 dự án. Hiện tại còn 244 dự án đang chậm tiến độ, phân theo 4 nhóm.

Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh nhấn mạnh: Nguyên nhân chậm tiến độ là do năng lực một số nhà đầu tư hạn chế, đặc biệt là năng lực tài chính; Công tác quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng của các cấp, các địa phương qua nhiều thời kỳ có nhiều bất cập; Công tác kiểm tra, giám sát của các ngành và địa phương còn hạn chế, chưa kịp thời; Hạ tầng kỹ thuật chưa được hoàn thiện đồng bộ; các quy định của pháp luật chưa thực sự rõ ràng; Dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 đến nay.

Trên cơ sở phân tích những nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án, UBND tỉnh đã đề ra các phương án xử lý các dự án chậm tiến độ. Đồng thời, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án; phát hiện các sai phạm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo quy định. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ, hiệu quả khâu thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư nhằm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để triển khai thực hiện dự án.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng sẽ xây dựng và ban hành các quy định liên quan đến quản lý dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh nhằm quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa  phương trong việc hỗ trợ, quản lý các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực và địa bàn phụ trách. Nâng cao chất lượng công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, hạn chế tối đa những bất cập, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Sở, ngành và địa phương trong công tác hỗ trợ nhà đầu tư. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và các hồ sơ, thủ tục liên quan để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Theo Văn Tuân/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN