Doanh nghiệp bất động sản đã có 'bảo bối' để tự cứu mình?

“Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư kỳ vọng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ khẩn trương xem xét, giải quyết để sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại”, Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nói.

Quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về gỡ khó cho bất động sản được chuyên gia, doanh nghiệp nhìn nhận là biện pháp nhanh chóng, quyết liệt và kịp thời; tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp tự cứu mình, giữ chữ tín với khách hàng, đối tác….

Tin vào triển vọng tốt của thị trường

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết: Quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phần nào lấy lại niềm tin và ổn định một bước tâm lý thị trường , tâm lý khách hàng và nhà đầu tư.

“Cộng đồng doanh nghiệp, khách hàng, nhất là người mua nhà và nhà đầu tư đều rất kỳ vọng tổ công tác sẽ khẩn trương xem xét, giải quyết để sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định xã hội”, ông Châu nói.

Doanh nghiep bat dong san da co 'bao boi' de tu cuu minh?
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA)

Ông Lê Hoàng Châu đề xuất Tổ công tác khẩn trương làm việc với UBND TP Hà Nội, UBND TP HCM và một số tỉnh trọng điểm. Bên cạnh đó, việc việc sắp xếp gặp trực tiếp, nghe các doanh nghiệp trình bày cũng góp phần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhanh hơn

 “Sự quan tâm của Chính phủ cũng tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp phải nỗ lực tự cứu mình, giữ chữ tín với khách hàng, đối tác và đẩy mạnh tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư và sản phẩm nhà ở hướng đến nhu cầu thực. Các doanh nghiệp đang rất kỳ vọng các vướng mắc liên quan đến pháp luật sẽ được điều chỉnh nhờ tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ”, ông Châu nhấn mạnh.

Theo ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Vietnam, việc thành lập tổ công tác để tháo gỡ là quyết liệt và kịp thời; sẽ đẩy nhanh quá trình tháo gỡ vướng mắc, quy trình cho các dự án mới để giải tỏa việc khan hiếm nguồn cung trên thị trường, đặc biệt là phân khúc nhà ở vừa túi tiền.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho các doan nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản đẩy đủ thủ tục pháp lý.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, việc thành lập tổ công tác giống như một nguồn năng lượng mới, giải tỏa phần nào lo lắng của các bên tham gia thị trường.

Doanh nghiep bat dong san da co 'bao boi' de tu cuu minh?-Hinh-2
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành

“Bản thân tôi kì vọng tổ công tác sẽ lắng nghe các doanh nghiệp trình bày những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Nếu vướng mắc là đúng, có cơ sở để giải quyết được ngay, chứ không lòng vòng như hiện nay.

Tôi kiến nghị mỗi một tỉnh, thành phố tổ công tác sẽ chọn giải quyết một vài dự án điểm. Sau này khi các dự án điểm này được giải quyết thì các dự án khác có vướng mắc tương tự cũng sẽ được địa phương giải quyết ngay mà không cần phải lòng vòng  đi hỏi, xin ý kiến khắp nơi, chờ đợi như hiện nay”, ông Nghĩa nói.

Doanh nghiệp bất động sản tồn tại trong “đau đớn”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, thời gian qua, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để tồn tại.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO) và điều này sẽ tác động đến sự phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Doanh nghiệp bất động sản cũng phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động.

“Vướng mắc pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông đã làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đối với dự án bất động sản, nhà ở thương mại (mất khoảng 3-5 năm)”, ông Châu cho biết.

Doanh nghiep bat dong san da co 'bao boi' de tu cuu minh?-Hinh-3
Khó khăn đang bủa vây thị trường bất động sản.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea), cho rằng, hiện nay khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản đến từ việc thủ tục pháp lý bị vướng. Trong đó phải kể đế việc phê duyệt giá đất, nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất đang gặp rất nhiều vấn đề do chính sách. Điều này bộc lộ dấu hiệu của sự lạc hậu, chồng chéo, mâu thuẫn trong chính sách.

Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm bất động sản đang có sự lệnh pha rất lớn, cung không phù hợp với cầu, các sản phẩm bán trên thị trường hầu hết là sản phẩm cao cấp, rất ít sản phẩm phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân.

Ngoài ra, thị trường bất động sản còn đang gặp khó khăn về nguồn vốn từ việc kiểm soát tín dụng, trái phiếu.

Tổ công tác do Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh làm tổ phó và các thứ trưởng bộ ngành khác làm thành viên.

Nhiệm vụ của tổ công tác là rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh thành.

Tổng hợp báo cáo Thủ tướng chỉ đạo giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản với nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Tổng hợp tham mưu Thủ tướng báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết tháo gỡ khó khăn liên quan khi triển khai các dự án bất động sản với nội dung vượt quyền của Thủ tướng. Đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp giải quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến triển khai các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương...

Tổ công tác có quyền yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, các doanh nghiệp có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án đang triển khai nhưng có khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý theo báo cáo của các địa phương.

Đồng thời, tổ có quyền mời lãnh đạo các cơ quan trung ương và UBND các tỉnh thành có liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia phối hợp, tham vấn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Viết Dũng

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN