Dính thanh tra, vướng pháp lý: 'Thay máu' nhân sự có giúp doanh nghiệp địa ốc đổi vận

Thay đổi tổng giám đốc ở các doanh nghiệp (DN) địa ốc có giúp công ty thay đổi được cục diện khi đang có các dự án dính nhiều tai tiếng, vướng pháp lý, thậm chí bị điều tra…, hay chỉ là câu chuyện “bình cũ rượu mới” còn đổi vận được hay không lại là một bài toán hóc búa khó có lời giải.
CTCP Tập đoàn Kim Oanh đang có thay đổi ban điều hành cấp cao. Đơn cử, mới đây, ngày 1/7/2020, Kim Oanh Group bổ nhiệm ông Lê Tiến Vũ là tân Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Kim Oanh, cùng nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao khác.
Theo giới thiệu, đây là những nhân sự giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm và đã kinh qua các vị trí cao ở một số công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư và phân phối bất động sản. Tiêu biểu như ông Lê Tiến Vũ đã có trên 15 năm kinh nghiệm ở vị trí tương đương hoặc cao hơn tại các tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam.
Ông Vũ trước đó giữ vị trí Tổng Giám đốc điều hành Cát Tường Group - cũng là một tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản.
Dinh thanh tra, vuong phap ly: 'Thay mau' nhan su co giup doanh nghiep dia oc doi van
 Ông Lê Tiến Vũ (thứ 3, từ trái qua) – tân Tổng Giám đốc Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh nhận quyết định bổ nhiệm và hoa chúc mừng từ Ban lãnh đạo.
Trước đó, tháng 4/2020, Kim Oanh Group thực hiện thay đổi bộ máy quản trị, điều hành của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh. Bà Đặng Thị Kim Oanh thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Nhân sự thay thế là bà Đồng Thị Lan giữ vị trí Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Phú Đức là tân Tổng Giám đốc của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh.
Trái ngược với tên tuổi của ông Lê Tiến Vũ trên thị trường bất động sản thì ông Nguyễn Phú Đức ít “nổi tiếng” hơn, và là nhân sự trẻ, mới sinh năm 1995.
Vấn đề đáng chú ý là việc thay đổi các vị trí chủ chốt diễn ra trong bối cảnh các dự án của Kim Oanh group và các thành viên đang có những lùm xùm về pháp lý, thậm chí có dự án 43ha Bình Dương mà Kim Oanh trúng đấu giá đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Bình Dương lập biên bản tạm giữ toàn bộ 43ha đất để điều tra hành vi chuyển nhượng đất công trái phép vào ngày 22/4/2020.
Vấn đề được thị trường quan tâm, liệu các nhân tố mới cóa giúp cho Kim Oanh có diễn tiến tích cực hơn, khi mà nhiều khó khăn đang bủa vây ở các dự án (dự án 43ha Bình Dương, dự án Khu dân cư Cầu Đò và dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 (khu B) chậm ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…).
Ở các nghiệp bất động sản đang niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng đang có sự thay đổi Tổng giám đốc. Được biết, một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự thay đổi nhân sự này là theo quy định tại Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng có hiệu lực (1/8/2020) về việc tách biệt chức danh Chủ tịch HDQT và Tổng giám đốc. Để thực hiện quy định này, các DNNY đã có 3 năm để chuẩn bị nhân sự.
Thực tế thì nhiều DN vẫn chưa rốt ráo thực hiện, cho đến khi cận kề “deadline” 1/8, và việc tách biệt này chưa thể đánh giá được rằng liệu đây là bước tiến chủ động của doanh nghiệp về quản trị công ty, hay là giải pháp “đối phó” với quy định, và đâu đó vẫn còn rất nhiều quan ngại về bản chất là bình cũ, rượu cũng không mới. Từ đó đặt ra thách thức đội ngũ mới có cùng đưa con thuyền chung sang một bức tranh tích cực hơn?.
Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG) đầu tháng 7 vừa qua chính thức bổ nhiệm ông Bùi Ngọc Đức đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc với thời hạn 5 năm. Đây là vị trí mà trước đó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh – ông Lương Trí Thìn kiêm nhiệm trong suốt gần 18 năm qua. Ông Đức cũng là nhân sự gắn bó với Đất Xanh nhiều năm qua, tham gia thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc DXG.
Đồng thời, DXG cũng bổ nhiệm các vị trí phó tổng giám đốc và kế toán trưởng. Trong đó, bổ nhiệm ông Hà Đức Hiếu (SN 1982) làm Phó tổng giám đốc phụ trách khối Tài chính và ông Lê Hào (SN 1978) làm Phó tổng giám đốc phụ trách khối Phát triển dự án. Đây đều là các nhân sự đã gắn bó với DXG.
Với vai trò mới, các nhân sự trên sẽ cùng gánh vác trách nhiệm, cũng như đối mặt với nhiều thách thức trong chặng đường phát triển của DXG thời gian tới, nhất là với pháp lý dự án GemRiverside vẫn còn vướng mắc, các vấn đề về dòng tiền âm liên tục, hay áp lực bán hàng và triển khai dự án quy mô lớn 92 ha tại Long Thành.
Tại CTCP Địa ốc Sài Gòn thương tín – TTCLand (mã chứng khoán SCR) có lẽ là doanh nghiệp có nhiều cuộc “thay máu” trong vài năm qua. Năm 2015, ông Đặng Hồng Anh thôi giữ chức Tổng Giám đốc, năm 2016, SCR thay đổi hàng loạt các vị trí phó tổng các khối trong công ty; năm 2017-2018 có tân Chủ tịch Phạm Điền Trung; tân Tổng giám đốc Bùi Tiến Thắng và tiếp tục bổ nhiệm mới các vị trí Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng; năm 2019, lại tiếp tục có sự thay đổi về Chủ tịch HDQT với sự góp mặt của ông Nguyễn Đăng Thanh; thay đổi Tổng giám đốc mới là ông Vũ Quốc Thái và hàng loạt các vị trí quan trọng khác. Những tưởng TTCland đã tái cơ cấu nhân sự ổn định để tập trung cho chặng đường phát triển mới. Nhưng, sang năm 2020, lại là một đợt tiếp tục có sự thay đổi, ông Thanh không còn là Chủ tịch HDQT.
Mới đây, TTCland đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM thông báo nhắc nhở không công bố thông tin việc từ nhiệm của người nội bộ (quy định phải công bố trong 24h) cụ thể là đối với ông Nguyễn Đăng Thanh và ông Lâm Minh Châu có đơn từ nhiệm nhưng HOSE không nhận được công bố thông tin về việc từ nhiệm này.
Theo đó, HOSE đã có nhắc nhở TTCland phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin/báo cáo đến HOSE theo đúng quy định để đảm bảo quyền lợi cổ đông.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc mỗi năm thay đổi dàn lãnh đạo một lần như TTCland là vấn đề đáng quan ngại. Bởi lẽ, nếu không ổn định được nhân sự sẽ không thể tập trung cho phát triển kinh doanh cốt lõi, chưa kể việc các nhân sự cần thời gian để tiếp nhận công việc, làm quen với mọi thứ trong nội bộ và bắt kịp với chiến lược đã đề ra thì đã phải thay mới. Điều này nếu không được cải thiện ở TTCland – là vấn đề mà một số nhà đầu tư cho rằng đáng xem xét khi đầu tư vào cổ phiếu SCR. Chưa kể đến, các vấn đề vướng mắc pháp lý dự án của TTCland cũng chưa được tháo gỡ, kéo dài qua các năm, nên việc tìm kiếm được nhân sự có năng lực, gắn bó với công ty để chung sức giải quyết các vấn đề nội tại là cần thiết.
Tương tự tại CTCP Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) cũng đã tiến hành việc Chủ tịch thôi kiêm nhiệm chức vụ tổng giám đốc từ 27/4. Trong suốt 16 năm qua, ông Nguyễn Văn Đạt kiêm nhiệm hai vị trí cao nhất tại Phát Đạt là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc. Ông Đạt cũng là cổ đông sáng lập và đang là cổ đông lớn nhất của công ty, sở hữu khoảng 61% vốn PDR. Người thay thế vị trí là Phó tổng giám đốc công ty, ông Bùi Quang Anh Vũ.
Thông tin được nhiều nhà đầu tư quan tâm ở Phát Đạt là tiến độ thực tế dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng sau nhiều năm “trùm mền”. Nếu tiến độ tốt, là tin rất tích cực cho PDR, bởi lẽ, thực hiện dự án BT này, Phát Đạt được đổi về các khu đất khác trong thành phố.
Theo Thạch Lam/Nhà Đầu Tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN