Đề xuất bố trí nhà ở xã hội tập trung thay quy định trích 20% quỹ đất

Bộ Xây dựng vừa nhận được kiến nghị của cử tri TP Hà Nội liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội.

Theo cử tri, để tránh những bất cập khi quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ xem xét, chấp thuận theo hướng bố trí nhà ở xã hội tập trung để thay thế việc thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án đấu giá quyền sử dụng đất để phục vụ xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên. Việc này nhằm tạo điều kiện đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Trả lời vấn đề trên, Bộ Xây dựng cho biết, tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội thì Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 về quy mô dự án phải dành quỹ đất 20% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo hướng giảm quy mô sử dụng đất của dự án phải dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội (từ 2 ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I).

Quy định này đã góp phần tăng nguồn cung quỹ đất 20% dành để phát triển nhà ở xã hội, gián tiếp tăng nguồn cung nhà ở xã hội và góp phần giảm giá bán nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho các đối tượng là người thu nhập thấp ở khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận và mua, thuê, thuê mua nhà ở, ổn định cuộc sống.

De xuat bo tri nha o xa hoi tap trung thay quy dinh trich 20% quy dat
Một dự án nhà ở xã hội ở Bình Dương.

Theo Bộ Xây dựng, nhằm tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập trong thực tế về quy hoạch khi bố trí quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 49 của Chính phủ có quy định: đối với trường hợp thuộc diện phải bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định nhưng do có sự thay đổi quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của địa phương dẫn đến việc bố trí quỹ đất 20% không còn phù hợp thì UBND cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

Tuy nhiên, bên cạnh những tồn tại, vướng mắc đã được tháo gỡ tại Nghị định số 49 của Chính phủ thì vẫn còn một số nội dung tồn tại, vướng mắc cần được sửa đổi trong Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có vướng mắc, tồn tại như kiến nghị của cử tri TP Hà Nội.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đã được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 (trong đó có nội dung về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội nhằm xử lý triệt để những bất cập liên quan đến quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị), dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

"Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của cử tri TP Hà Nội để nghiên cứu, trình dự thảo Luật này", Bộ Xây dựng thông tin.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã gửi văn bản gửi tới Bộ Xây dựng góp ý một số quy định của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. 

Ông Châu cho rằng, nếu cho phép doanh nghiệp "chuyển giao quỹ nhà ở tương đương giá trị quỹ đất 20%", Nhà nước sẽ có nhiều nhà ở xã hội hơn ở vị trí khác với mức giá vừa túi tiền cho người dân có thu nhập thấp.

Phương Uyên

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN