Chủ tịch Him Lam: Sẵn sàng xây 75.000 căn nhà ở xã hội

Thông tin trên được ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam đưa ra trong Hội nghị phát triển nhà ở xã hội cho công nhân do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vào ngày 1/8.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam cho biết sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Đây là quỹ đất mà doanh nghiệp đã có nhưng quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn về thủ tục. 

Theo ông Minh, Him Lam có 2 dự án nhà ở thương mại, theo đề nghị của Bộ Xây dựng chuyển thành nhà ở xã hội để lo cho người nghèo nhưng có một dự án tới 5 năm, một dự án 3 năm đến nay chưa hoàn thiện xong thủ tục.

 Ông cho rằng, từ nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội còn khó hơn thủ tục làm nhà ở thương mại; thủ tục vô cùng phức tạp, từ thành phố, tỉnh, các ngành đến các bộ, ngành…

Chu tich Him Lam: San sang xay 75.000 can nha o xa hoi den 2030
 Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Him Lam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch Tập đoàn Him Lam đề cập hiện nay, Chính phủ đang tập trung vào vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, huy động các doanh nghiệp, nhưng nguồn lực lớn nhất để xây dựng chính là ở người dân, như ở TP HCM có 700.000 phòng trọ cho công nhân.

Ông Minh đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ vấn đề này vì đây là vấn đề rất lớn nhưng quy chuẩn, tiêu chuẩn không có, khó huy động được nguồn lực. Bộ Xây dựng cũng cần xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà trọ cho công nhân. 

Ông còn cho rằng quy định những dự án nhà ở thương mại phải có 20% nhà ở xã hội là rất nhỏ lẻ và manh mún, bất cập. Vì vậy, nên quy hoạch khu vực nhà ở xã hội tập trung; các địa phương cần có quy hoạch riêng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. 

Trong khi đó, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group đề xuất các bộ, ngành xem xét không bố trí quỹ đất nhà ở xã hội với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trong trường hợp địa phương đã bố trí quỹ đất. Đối với trường hợp này, doanh nghiệp được phép đóng tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% nhà ở xã hội, đồng thời phân quyền cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Ông Trường còn đề xuất mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, bao gồm tổ chức (có thể là doanh nghiệp) thay vì chỉ 10 đối tượng là cá nhân theo quy định Luật Nhà ở. Các tổ chức này có thể mua nhà ở xã hội để cho cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua, thuê dài hạn hoặc bán cho người lao động của chính doanh nghiệp mà có nhu cầu với giá ưu đãi.

Chu tich Him Lam: San sang xay 75.000 can nha o xa hoi den 2030-Hinh-2
 Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Sun Group. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thực tiễn, trong thời gian qua, Tập đoàn Sun Group đã triển khai xây dựng các khu nhà ở xã hội Sunhome cho cán bộ, nhân viên tập đoàn thuê hoặc thuê dài hạn nhằm ổn định đời sống và yên tâm làm việc của người lao động.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng cần rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện quy định dành 20% quỹ đất nhà ở trong khu thương mại, đô thị cho các địa phương để có điều chỉnh cho phù hợp.

 Đặc biệt Bộ Xây dựng cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để điều chỉnh lại tỷ lệ nhà ở xã hội trong các khu đô thị, khu thương mại.

Trước mắt, cần rà soát ngay những dự án nào buộc phải thực hiện quy định dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm, cần có giải pháp quyết liệt để thu hồi, tạo quỹ đất, chuyển cho các nhà đầu tư khác thực hiện...

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 401 dự án với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, tổng diện tích khoảng 22,718 triệu m2. 

 

Gia Lai

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN