Bình Phước: Siết chặt quản lý không để người dân tộc thiểu số bị lừa bán đất

UBND tỉnh Bình Phước vừa có công văn chỉ đạo các ngành, các đơn vị địa phương tăng cường các biện pháp quản lý đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, thời gian vừa qua tình hình mua, bán sang nhượng đất ở, đất sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh diễn ra rất phức tạp, xuất hiện tình trạng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số để lừa đảo mua bán, sang nhượng đất ở, đất sản xuất. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bình Phước giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, TP tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng vay lãi nặng, lừa đảo cầm cố đất, bán đất vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị triển khai, thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ được giao trong chương trình hành động số 275 ngày 11/11/2020 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Binh Phuoc: Siet chat quan ly khong de nguoi dan toc thieu so bi lua ban dat
 Ảnh minh họa (nguồn internet).

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu chỉ đạo, có giải pháp phù hợp, khả thi để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các đối tượng được giao đất, cho thuê đất do Nhà nước hỗ trợ từ các chương trình, chính sách những năm trước và đất sau quy hoạch 3 loại rừng.

Ban Dân tộc có nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền vận động vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động người dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, nắm rõ quy định của pháp luật liên quan đến giao dịch về đất đai, góp phần giảm thiểu tình trạng người dân tộc thiểu số bị lừa đảo. Thường xuyên theo dõi, nắm thông tin tình hình vùng dân tộc thiểu số, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong vùng dân tộc thiểu số.

Các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao công tác quản lý nhà nước về đất đai; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình mua bán, sang nhượng đất ở, đất sản xuất liên quan đến người dân tộc thiểu số vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết thủ tục, hồ sơ….

Như Ý

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN