Biệt thự Đặng Gia Viên rộng ngàn m2 ngang nhiên lấn sông Đồng Nai

Một dinh thự xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, chiếm luôn 1 đoạn bờ kè sông Đồng Nai làm cầu cảng riêng, điều lạ lùng này đang xảy ra tại xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai.
Công trình “khủng” trên đất nông nghiệp, lấn sông
Theo người dân phản ánh, tại khu đất nông nghiệp rộng hơn 7.000m2 được chủ sử dụng, xây tường bao, cổng sắt kiên cố, phía ngoài dựng bia đá đặt tên Đặng Gia Viên gồm các thửa 177, 204 và 205 cùng thuộc tờ bản đồ 20 tại xã Bình Lợi, Huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai đang được chủ sử dụng đất xây dựng công trình dinh thự lớn, đáng nói một phần căn biệt thự lại xây lấn ra bờ kè sông Đồng Nai.
Cũng theo người dân, chủ sử dụng đất đã bắt đầu xây dựng các công trình như tường rào, cổng ra vào khu đất, kè bờ sông từ năm 2018, đến nay lại tiếp tục tự ý mở đường đi nội bộ bên trong khu đất và cho xây dựng thêm công trình nhà ở trên đất nông nghiệp.
Biet thu Dang Gia Vien rong ngan m2 ngang nhien lan song Dong Nai
Toàn cảnh công trình xây dựng trên đất nông nghiệp 
Được biết, bên trong khu đất trên gồm các thửa 204 và 205 đã được xây dựng một đoạn đường nhựa nối với đoạn đường hiện hữu dẫn giao với đường Bình Lục – Long Phú tại xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu. Tại thửa 177 tờ bản đồ số 20 có diện tích 3.774m2, hiện hữu căn biệt thự và xây dựng bờ kè lấn ra một phần sông Đồng Nai.
Biet thu Dang Gia Vien rong ngan m2 ngang nhien lan song Dong Nai-Hinh-2
 
Biet thu Dang Gia Vien rong ngan m2 ngang nhien lan song Dong Nai-Hinh-3
Dinh thự luôn khóa kín, bên ngoài đặt bia đá đề tên Đặng Gia Viên 
Theo tìm hiểu, thửa đất số 177 vẫn đang là đất nông nghiệp, có mục đích sử dụng là đất trồng cây hằng năm, mặc dù đã được quy hoạch 1.431m2 đất thành đất ở tại nông thôn. Nhưng thời điểm hiện tại toàn bộ thửa đất vẫn chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Người sử dụng đất xây kè bờ sông trong hành lang bảo vệ Đồng Nai đoạn giáp với hai thửa đất 177 và 205 tờ bản đồ 20. Đồng thời chiếm luôn một đoạn đường giao thông hiện hữu làm của riêng thông qua cánh cổng luôn được đóng kín, cài then.
Biet thu Dang Gia Vien rong ngan m2 ngang nhien lan song Dong Nai-Hinh-4
 
Biet thu Dang Gia Vien rong ngan m2 ngang nhien lan song Dong Nai-Hinh-5
 
Biet thu Dang Gia Vien rong ngan m2 ngang nhien lan song Dong Nai-Hinh-6
 
Biet thu Dang Gia Vien rong ngan m2 ngang nhien lan song Dong Nai-Hinh-7
Phần bờ kè được chủ sử dựng đất xây dựng lấn chiếm kiên cố 
Biet thu Dang Gia Vien rong ngan m2 ngang nhien lan song Dong Nai-Hinh-8
Xây dựng như một cầu cảng 
Biet thu Dang Gia Vien rong ngan m2 ngang nhien lan song Dong Nai-Hinh-9
 
Biet thu Dang Gia Vien rong ngan m2 ngang nhien lan song Dong Nai-Hinh-10
Chủ sử dụng đất chiếm luôn 1 đoạn đường giao thông đã được công nhận làm của riêng
Sông Đồng Nai là con sông nội địa lớn nhất khu vực miền Đông Nam bộ, chảy qua một phần Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ, có diện tích lưu vực hơn 36.481,21 km2, cung cấp nước cho nhiều tỉnh thành và gánh nhiều công trình thuỷ điện cùng các cụm sản xuất công nghiệp, các vùng canh tác nông nghiệp và các khu dân cư phát triển dày đặc.
Với tầm quan trọng lớn lao nhưng sông Đồng Nai cũng đang oằn mình hứng chịu những xâm hại như sự kiện Vedan xả nước thải độc hại ra sông Thị Vải một phụ lưu của sông Đồng Nai vào năm 2018.
Năm 2015, Công ty CP Đầu tư – Kiến trúc – Xây dựng Toàn Thịnh Phát đã gấp rút triển khai thi công dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai quy mô 8,4 Ha, tại Phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh đồng Đồng Nai”. Thực chất là hoạt động xây dựng lấn chiếm hành lang ven sông, chiếm mặt nước tự nhiên trên sông, gây nguy cơ thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông Đồng Nai. Nếu không được ngăn chặn, công trình này có thể gây suy giảm chất lượng nguồn nước, tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ, xói lở cục bộ và ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng nước không chỉ của người dân Đồng Nai mà cả hàng triệu người dân TPHCM cũng như sẽ tác động xấu đến môi trường và sức khỏe của các hệ sinh thái sông của toàn bộ lưu vực. Dự án cuối cùng đã phải tạm đình chỉ.
Biet thu Dang Gia Vien rong ngan m2 ngang nhien lan song Dong Nai-Hinh-11
Chủ đầu tư - Công ty Tín Nghĩa Á Châu đã làm đường và cống ngầm (ngay gần ngã 3 kết nối rạch Bà Lồ với rạch Ông Dầu) để đi vào dự án 
Mới đây nhất là việc tiến hành gia cố, kê nới bờ kè và san lấp phục vụ Dự án Khu dân cư, dịch vụ và du lịch Cù lao Tân Vạn - Centria island (P. Tân Vạn, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã làm thay đổi, thu hẹp dòng chảy rạch Bà Lồ gây sạt lở nghiêm trọng và thay đổi ranh giới hành chính giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có văn bản đề nghị tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các bên liên quan dừng thi công công trình dọc theo rạch Bà Lồ để 2 bên cùng thống nhất phương án xử lý tránh làm ảnh hưởng tới tuyến địa giới hành chính giữa 2 địa phương…
Liệu có ngoại lệ?
Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã rất mạnh tay với các trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, nhiều cán bộ đã bị “bay ghế” vì để xảy ra vi phạm trên địa bàn mình quản lý. Tuy nhiên tại huyện Vĩnh Cửu gần như vẫn có ngoại lệ. Khi một công trình xây dựng cả ngàn m2 vuông vẫn không bị phát hiện và xử lý.
Ngay khi nhận được phản ánh của người dân, PV đã liên hệ với UBND xã Bình Lợi để có câu trả lời, tuy nhiên đến nay đã hơn một tháng nhưng vẫn là sự im lặng. Phải chăng công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và ngang nhiên xây dựng bờ kè làm cầu cảng lấn sông Đồng Nai này nằm ngoài sự quản lý của UBND xã Bình Lợi?
Nhận định về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Lập, đoàn Luật sư TPHCM cho biết: Theo khoản 3, Điều 12 Luật Đất đai 2013 quy định hành vi sử dụng đất không đúng mục đích là hành vi bị nghiêm cấm.
Theo điểm d, khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 quy định chuyển đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm) sang đất phi nông nghiệp (đất ở) phải được phép của cơ quan nhà nước (Người sử dụng đất nộp đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất kèm theo Giấy chứng nhận đến cơ quan tài nguyên và môi trường.).
Theo khoản 2; điểm a, khoản 4 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định hành vi chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt: Phạt tiền thấp nhất từ 3.000.000 đồng đến cao nhất là 200.000.000 đồng, tùy theo diện tích đất bị chuyển mục đích (từ dưới 0,02 héc ta đến 03 héc ta trở lên). Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Như vậy, người sử dụng đất tại thửa 177 tờ 20 nêu trên, với hành vi tự ý chuyển đổi đất trồng cây lâu năm sang đất ở đã vi phạm điều cấm của luật đất đai, không xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, đồng thời bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (tự tháo dở, đập công trình nhà ở đã xây dựng trên đất hoặc bị cưỡng chế thi hành việc này).
Theo khoản 2, Điều 26 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định hành vi xây dựng công trình, vật kiến trúc trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt, lở bờ sông là hành vi vi phạm quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước. Hành vi này bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Theo điểm b, khoản 3; điểm a, khoản 5 Điều 26 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định hành vi kè bờ sông mà không có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường là vi phạm các quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước. Hành vi này bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Buộc tháo dỡ công trình vi phạm.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, từ năm 2018 đến năm 2021, cơ quan chức năng phát hiện 681 trường hợp xây dựng trái phép, không phép; 388 trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích; 25 dự án vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai.
Từ đầu năm 2022 đến nay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, tại địa bàn TP.Biên Hòa cũng như các huyện (Trảng Bom, Thống Nhất, Nhơn Trạch, Long Thành...) đã nỗ lực lập lại trật tự xây dựng, qua đó thực hiện cưỡng chế hàng trăm công trình xây dựng nhà ở trái phép để trả lại hiện trạng đất ban đầu.
Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã ra quân cưỡng chế hàng trăm trường hợp xây dựng trái phép và không phép. Thế nhưng, hiện còn không ít những công trình xây dựng trái phép, xây dựng không phép, vẫn đang "tồn tại", khiến cho dư luận không khỏi đặt vấn đề về tính thống nhất thực thi các chỉ đạo của tỉnh này. Đồng thời, dư luận đặt câu hỏi: Có hay không có sự bao che, lợi ích nhóm trong xây dựng trái phép, không phép, bất chấp các quy định của pháp luật? Con sông Đồng Nai đang oằn mình gánh biết bao công trình xây dựng. Việc các hộ dân sống ven bờ đua nhau lấn chiếm, xây dựng bờ kè sẽ làm thu hẹp dòng chảy dẫn tới tình trạng, sạt lở, thu hẹp dòng chảy, ngập úng ai sẽ chịu trách nhiệm?
Hải Đăng

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN