Bất động sản 2021 phục hồi tăng, chưa xuất hiện 'bong bóng'?

Theo HoREA, thị trường bất động sản cả nước và TP HCM trong 2021 vẫn tiếp tục phục hồi, tăng trưởng trở lại, chưa có tình trạng 'đóng băng' hay 'bong bóng' do sức mua và tổng cầu nhà ở có khả năng thanh toán vẫn cao.

Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có Báo cáo đánh giá thị trường bất động sản năm 2020, dự báo thị trường bất động sản năm 2021.

Giá nhà tăng nóng trong năm 2020

Theo số liệu thống kê năm 2020, Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 31 dự án (giảm 16 dự án), giảm 34% so với năm 2019, với tổng số 16.895 căn nhà, giảm 30,4% so với năm 2019 (Gồm có: 15.275 căn hộ với 1.023.269 m2 sàn xây dựng; 1.617 căn nhà thấp tầng với 515.340 m2 sàn xây dựng và 3 căn biệt thự 1.589 m2 sàn xây dựng).

Tổng giá trị huy động vốn là 66.674 tỷ đồng (đã bao gồm VAT, chưa bao gồm 2% phí bảo trì). Trong đó, có 7.114 căn nhà thuộc phân khúc nhà ở cao cấp, chiếm tỷ lệ 42,1%, tăng 15,9%; Phân khúc nhà ở trung cấp có 9.618 căn chiếm tỷ lệ 56,9%, tăng 66,2%; Phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn, chỉ chiếm tỷ lệ 1%, giảm đến 98,6% so với năm 2019.

Theo HoREA, trên thực tế thì phân khúc nhà ở cao cấp có thể chiếm đến tỷ lệ khoảng 70%, chiếm thế áp đảo trên thị trường bất động sản năm 2020; phân khúc nhà ở trung cấp chiếm khoảng trên dưới 25% tổng số nhà ở. Đáng quan ngại là phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn nhà, chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được huy động vốn năm 2020.

"Đây là chỉ dấu cho thấy rõ sự lệch pha sản phẩm trên thị trường bất động sản, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp. Trong lúc rất thiếu sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, dẫn đến sự phát triển của thị trường bất động sản thiếu tính ổn định, bền vững", HoREA đánh giá.

Nói về có sự chênh lệch giữa số liệu thống kê của Sở Xây dựng so với thực tế, Hiệp hội cho biết, khi trình dự án lên Sở Xây dựng, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thường kê khai mức giá bán thấp, nhưng đến khi huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai, thì chủ đầu tư bán nhà với mức giá cao hơn, thậm chí có mức giá nhà ở cao cấp.

Giá nhà vẫn tăng nóng trong năm 2020. Theo HoREA, do rất thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở trên thị trường và do các chủ đầu tư dự án muốn tối đa hóa lợi nhuận, nên đã đẩy giá làm cho giá nhà luôn có xu thế tăng, nhất là trong lúc sức mua trên thị trường sơ cấp vẫn mạnh và tỷ lệ hấp thụ của thị trường rất cao, bình quân lên đến 70-80% qua các đợt mở bán các dự án nhà ở trong năm 2020.

Trong năm 2020, số lượng dự án nhà ở được phép huy động vốn tập trung nhiều nhất tại quận 2, quận 9 (9 dự án mỗi quận), quận 7 (6 dự án). Có 9 quận, huyện có 1 hoặc 2 dự án, gồm quận 1, quận 4, quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn. Có 12 quận, huyện chưa có dự án huy động vốn, gồm quận 3, quận 5, quận 6, quận 8, quận 10, quận 11, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ.

Phân khúc bất động sản công nghiệp tăng trưởng mạnh trong năm 2020, nhằm đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư và tái cơ cấu chuỗi cung ứng vào nước ta.

Phân khúc thị trường bất động sản gặp khó khăn lớn trong năm 2020 là phân khúc bất động sản du lịch (condotel); mặt bằng nhà phố cho thuê kinh doanh thương mại, dịch vụ; nhà cho thuê (bao gồm cả căn hộ cho thuê, phòng trọ, nhà trọ).

Bat dong san 2021 phuc hoi tang, chua xuat hien 'bong bong'?
 Bất động sản 2021 chưa có nguy cơ "đóng băng"?.

Năm 2021 chưa có xuất hiện "đóng băng"

Dự báo về thị trường bất động sản năm 2021, HoREA rằng, thị trường bất động sản cả nước và TP HCM trong 2021 vẫn tiếp tục phục hồi, tăng trưởng trở lại, chưa có tình trạng 'đóng băng' hay 'bong bóng' do sức mua và tổng cầu nhà ở có khả năng thanh toán vẫn cao. Phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền (bao gồm nhà ở thương mại có giá trung bình, nhà ở thương mại có giá thấp, nhà ở xã hội) sẽ giữ vai trò chủ đạo của thị trường.

HoREA chỉ ra các nhân tố tác động đến sự phục hồi thị trường như định hướng của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm, 10 năm tới. Năm 2021 là năm đầu nhiệm kỳ, cũng là năm đầu của kế hoạch 2021 - 2025, Hiệp hội cho rằng chắc chắn sẽ tạo được xung lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, trong đó có thị trường bất động sản.

Ngoài ra, một số cơ chế chính sách mới có tính đồng bộ, liên thông cũng được ban hành. Quốc hội đã thông qua nhiều dự án luật trong năm 2020, trong đó, Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), kết hợp sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 1/1. Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định số 148 có hiệu lực từ 8/2 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, tháo gỡ vướng mắc đất công nằm xen kẽ trong dự án đầu tư nhà ở.

Trong quý I, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020 và hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy mạnh công tác xây dựng lại các khu nhà chung cư cũ kết hợp với chỉnh trang khu vực đô thị; chỉnh trang di dời nhà trên và ven kênh rạch;

Phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp; tăng cường hiệu quả công tác quản lý vận hành nhà chung cư; tháo gỡ các vướng mắc để vận hành trở lại các dự án đầu tư, dự án nhà ở có liên quan đến sử dụng quỹ đất do sắp xếp lại trụ sở cơ quan, di dời nhà xưởng ô nhiễm… sẽ tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Tại TP HCM, lực hồi phục và tăng trưởng đến từ các động lực như thành lập TP Thủ Đức, các công trình giao thông trọng điểm đưa vào sử dụng trong 2021, đề án chuyển đổi 4 trên 5 huyện thành quận trong 10 năm tới... Đồng thời, Chính phủ cho phép TP HCM được chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016-2020...

 

 

Mai Thanh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN