Vụ chuyến bay giải cứu: Phí bôi trơn khủng để được đưa người về Việt Nam

Các đơn vị muốn tổ chức được các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước trong thời gian dịch Covid, phải chi tổng cộng từ vài tỉ đến hàng chục tỉ đồng cho Tô Anh Dũng, Nguyễn Thị Hương Lan, Phạm Trung Kiên...

Vu chuyen bay giai cuu: Phi boi tron khung de duoc dua nguoi ve Viet Nam

Các bị can Tô Anh Dũng, Phạm Trung Kiên và Vũ Anh Tuấn (từ trái qua) nhận hối lộ hàng chục tỉ vụ chuyến bay giải cứu. Ảnh: Bộ Công an

Trong kết luận điều tra vừa ban hành, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố 54 bị can liên quan đến vụ chuyến bay giải cứu, xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ, UBND Hà Nội...

Ngoài cáo buộc hành vi nhận hối lộ của các cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc các bộ, ngành trên, Cơ quan An ninh điều tra đã làm rõ để được thực hiện các chuyến bay giải cứu, doanh nghiệp phải "bôi trơn" hàng chục tỉ đồng.

Thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nhiều công dân Việt Nam ở nước ngoài muốn trở về Việt Nam. Có khoảng hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước.

Thực tế chỉ có khoảng 20 nhóm doanh nghiệp triển khai các chuyến bay sau khi được duyệt. Số còn lại là doanh nghiệp cho mượn pháp nhân hoặc đứng ra xin cấp phép chuyến bay, sau đó bán quyền được tổ chức các chuyến bay cho bên khác.

Để doanh nghiệp được tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước thì phải có văn bản chấp thuận của Văn phòng Chính phủ (VPCP), Tổ công tác 4 bộ/5 bộ; có văn bản chấp thuận chủ trương cách li y tế của UBND các tỉnh, TP.

Trong thời gian đó, doanh nghiệp còn song song kí hợp đồng và đặt cọc tiền thuê tàu bay với hãng hàng không, kí hợp đồng và đặt cọc tiền thuê khách sạn.

Nếu không được VPCP, Tổ công tác 4 bộ/5 bộ và địa phương chấp thuận chuyến bay và chủ trương cách li y tế theo dự kiến, doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại lớn về tài chính.

Vì vậy, để được phê duyệt, tổ chức chuyến bay, các đối tượng đại diện doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau trực tiếp hoặc qua trung gian đưa tiền số lượng lớn cho những người có nhiệm vụ, quyền hạn.

Nguyễn Văn Nghĩa - Giám đốc Công ty Nhật Minh - là một trong số chủ doanh nghiệp đã vướng lao lí. Nghĩa đã liên hệ và trực tiếp đưa tiền cho 8 cá nhân có thẩm quyền để xin cấp phép các chuyến bay.

Trong đó, đưa cho bị can Tô Anh Dũng - cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao 40.000 USD; Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự 20.000 USD, đưa cho Đỗ Hoàng Tùng - cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự 40.500 USD; đưa cho Lê Tuấn Anh - cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự 15.000 USD; Lưu Tuấn Dũng 10.000 USD, Phạm Trung Kiên - Thư kí Thứ trưởng Bộ Y tế 1,8 tỉ đồng, Vũ Anh Tuấn hơn 3 tỉ đồng; Vũ Hồng Nam 60.000 USD, 450 triệu đồng.

Hành vi của Nguyễn Văn Nghĩa bị cáo buộc "đưa hối lộ", với số tiền tổng cộng gần 9,7 tỉ đồng.

Ngoài ra, Nguyễn Văn Nghĩa còn đưa tiền cho một số cá nhân khác, cơ quan công an sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý ở giai đoạn sau của vụ án.

Cùng phải chi phí hàng chục tỉ đồng cho các cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn để được phê duyệt, hỗ trợ tổ chức chuyến bay; phê duyệt chủ trương cách li y tế, cấp phép vượt số lượng khách là hai cá nhân Lê Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Bluesky và Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky.

Do cùng góp vốn để kinh doanh, điều hành hoạt động của Bluesky nên Sơn và Hằng đã cùng bàn bạc, thống nhất mức tiền chi, cùng kết nối, đưa tiền cho các cán bộ có thẩm quyền. Hằng là người thực hiện hành vi đưa tiền.

Theo đó, quá trình xin 109 chuyến bay, xin chủ trương cách ly y tế, Sơn và Hằng đã chi tổng cộng gần 39 tỉ đồng cho các cán bộ có thẩm quyền.

Trong đó, có Tô Anh Dũng, Nguyễn Thị Hương Lan, Đỗ Hoàng Tùng, Lê Tuấn Anh, Lưu Tuấn Dũng, Nguyễn Hồng Hà, Phạm Trung Kiên, Trần Văn Tân - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam…

Tháng 9.2021, Vũ Thị Hồng - Giám đốc Công ty Minh Ngọc - nhờ Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty Vitrato - liên hệ các cá nhân có thẩm quyền để xin cấp phép thực hiện các chuyến bay combo đưa công dân về nước.

Sau đó, bị can Tuấn nhận hơn 7,4 tỉ đồng từ Hồng và thông qua các mối quan hệ đưa số tiền này cho Nguyễn Thị Hương Lan, Lê Tuấn Anh, Lưu Tuấn Dũng, Vũ Anh Tuấn, Phạm Trung Kiên.

Sau khi thực hiện xong 3 chuyến bay thí điểm, Nguyễn Tiến Mạnh - Giám đốc Công ty Hoàng Long Luxury - gửi hồ sơ xin Chính phủ được thiện chuyến bay combo nhưng không được chấp thuận.

Đầu năm 2021, Tiến Mạnh đặt vấn đề nhờ Hoàng Anh Kiếm giúp cấp phép thực hiện chuyến bay. Anh Kiếm đồng ý giúp và hai bên thống nhất chia sẻ lợi nhuận sau khi thực hiện chuyến bay.

Sau khi liên hệ được với Nguyễn Quang Linh - Trợ lý Phó thủ tướng và Nguyễn Tiến Thân - chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế - VPCP, Anh Kiếm yêu cầu Tiến Mạnh chuyển tiền để xin công văn.

Theo đó, Tiến Mạnh đã chỉ đạo Vũ Thuỳ Dương - Giám đốc Công ty Lữ hành Việt - chuyển cho Anh Kiếm 1 tỉ đồng và 350.000 USD để chi cho cán bộ thuộc VPCP và được cấp phép thực hiện 18 chuyến bay.

Khi thẩm quyền cấp phép chuyến bay được chuyển về cho Tổ công tác 5 bộ, cuối tháng 8.2021, Tiến Mạnh nhờ Anh Kiếm giúp xin cấp phép chuyến bay combo cho Công ty Lữ hành Việt.

Sau đó, Thùy Dương đưa cho Kiếm 600.000 USD chi cho cán bộ Bộ Ngoại giao để xin được cấp phép tổ chức 11 chuyến bay. Mặc dù vậy, Mạnh vẫn phải chi tiền cho cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Phạm Trung Kiên...

Ngoài ra, khi sử dụng pháp nhân Công ty Hoàng Long Luxury để xin giấy phép chuyến bay combo, Mạnh đã liên hệ, đưa tiền cho ông Tô Anh Dũng, bà Lan, ông Kiên từ 200 triệu - 1,5 tỉ đồng.

Tổng cộng, Tiến Mạnh đưa hối lộ gần 28 tỉ đồng, Dương hơn 24 tỉ đồng, Kiếm gần 23 tỉ đồng.

Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra còn làm rõ hành vi đưa hối lộ của các bị can: Nguyễn Thị Tường Vy - Giám đốc Công ty ATA (gần 12 tỉ đồng), Trần Thị Mai Xa - Giám đốc Công ty Masterlife (hơn 8,1 tỉ đồng)...

Trong vụ án, ông Tô Anh Dũng bị cáo buộc nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng; Phạm Trung Kiên hơn 42 tỉ đồng; bà Lan hơn 25 tỉ đồng...

Việt Dũng/Laodong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN