Vụ án "Út trọc": Không nhận tội nhưng vẫn nộp 500 triệu

Mặc dù Đinh Ngọc Hệ (tức "Út trọc") không thừa nhận hành vi phạm tội, tuy nhiên dựa vào các chứng cứ cơ quan điều tra đủ cơ sở xác định Hệ là người quyết định, chỉ đạo một số đối tượng làm sai, gây thất thu ngân sách...
Cùng với Ðinh Ngọc Hệ (tức "Út trọc"), các bị can Trần Văn Lâm (nguyên Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn), Bùi Văn Tiệp (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) và Trần Xuân Sơn (nguyên Giám đốc chi nhánh tại Bình Dương của Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn) - cùng bị truy tố tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ngoài ra ông Hệ còn bị cáo buộc thêm tội danh “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”. Ông Phùng Danh Thắm (nguyên Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
 Ông Ðinh Ngọc Hệ (Út “trọc” - đứng giữa, hàng sau) sẽ ra tòa vào ngày 30/7 tới.
Ông Ðinh Ngọc Hệ không nhận tội
Theo cáo trạng, biết Tổng Công ty (TCT) Thái Sơn có chủ trương mở rộng thị trường phát triển sản xuất kinh doanh, khoảng tháng 7/2009, ông Hệ (lúc này là Phó Trưởng phòng kinh doanh TCT Thái Sơn), đã đề nghị thành lập pháp nhân mới là doanh nghiệp cổ phần do TCT Thái Sơn và một số cá nhân góp vốn thành lập, theo mô hình công ty mẹ, con.
Ngày 5/8/2005, TCT Thái Sơn có quyết định về việc đầu tư góp vốn, ông Hệ là người đại diện cổ đông quản lý 21% cổ phần vốn điều lệ. Ngày 19/9/2009, Sở KH - ÐT TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho pháp nhân mới là Công ty cổ phần Phát triển đầu tư (CPPTÐT) Thái Sơn, vốn điều lệ 20 tỷ đồng, TCT Thái Sơn góp 51% vốn.
Từ tháng 3/2013 đến khi bị bắt, ông Hệ là người đại diện theo pháp luật và là tổng giám đốc công ty. Ðến tháng 11/2012, TCT Thái Sơn quyết định rút 31% vốn cổ phần nhưng đến tháng 8/2013 mới ký được hợp đồng chuyển nhượng vốn cho người quen của ông Hệ với giá 0 đồng. Ðến tháng 10/2017, TCT Thái Sơn chuyển nhượng 20% cổ phần còn lại cho một cá nhân thu được 1,2 tỷ đồng.
Mặc dù với danh nghĩa là công ty con của TCT Thái Sơn, nhưng thực chất vốn kinh doanh của Công ty CPPTÐT Thái Sơn là của tư nhân, mọi hoạt động đều theo quản lý, điều hành trực tiếp của ông Hệ.
Từ năm 2011 đến 2016, lợi dụng danh nghĩa là người đại diện phần vốn góp của TCT Thái Sơn và chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị, đại diện theo pháp luật, ông Hệ báo cáo không trung thực về hoạt động của Công ty CPPTÐT Thái Sơn, thông qua ban tổng giám đốc TCT Thái Sơn, ông Hệ đề nghị cho mua bằng vốn tự có và đăng ký sử dụng xe ô tô biển số quân sự, biển số xanh, trong đó có nhiều xe có giá trị lớn.
Khi được miễn nhiều tỷ đồng tiền thuế trước bạ và cho đăng ký xe, ông Hệ chỉ đạo Trần Văn Lâm ký các hợp đồng thế chấp các ô tô cho các tổ chức tín dụng để vay hoặc bảo lãnh vay tiền. Hành vi cho thuê, cho mượn, thế chấp xe này của ông Hệ cũng dẫn đến đơn thư tố cáo, ảnh hưởng đến uy tín Nhà nước, Quân đội…
Cuối năm 2012, Công ty CPPTÐT Thái Sơn ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà (Công ty Hải Hà). Ông Hệ ký quyết định thành lập chi nhánh Công ty CPPTÐT Thái Sơn tại Bình Dương, bổ nhiệm ông Trần Xuân Sơn làm giám đốc chi nhánh. Thực chất việc lập chi nhánh này là để xin cấp phép xây dựng, giấy phép kinh doanh xăng dầu giúp Công ty Hải Hà.
Sau khi được cấp phép, Công ty Hải Hà đầu tư, mở cửa hàng xăng dầu Thái Sơn. Ngày 23/6/2014, đội kiểm tra liên ngành của tỉnh Bình Dương lập biên bản xử lý cửa hàng này vì có lượng xăng tồn kho không đạt tiêu chuẩn. Ông Hệ chỉ đạo ông Trần Văn Lâm làm văn bản giả mạo nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu của cửa hàng chủ yếu phục vụ kinh tế ngành gửi cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương và đã được miễn xử phạt.
Ngoài ra, vào khoảng năm 2000, ông Hệ mua của một đối tượng không rõ lai lịch 1 bằng đại học. Trong quá trình công tác, ông Hệ đã nhiều lần sử dụng bằng giả này và các giấy tờ, tài liệu giả để khai hồ sơ cán bộ, đề nghị nâng lương, bổ nhiệm…
Cũng theo cáo trạng, dù ông Hệ không thừa nhận hành vi phạm tội, tuy nhiên căn cứ tài liệu thu thập được qua điều tra, phù hợp lời khai của các bị can khác… đủ cơ sở xác định ông Hệ là người quyết định, chỉ đạo sử dụng xe để thế chấp, cho thuê, giao xe cho một số đối tượng sử dụng trái quy định mà không phải nộp thuế trước bạ trên 3,1 tỷ đồng, hưởng lợi 6 tỷ đồng. Lợi dụng danh nghĩa câu kết làm giả hợp đồng gửi xăng, hợp thức hóa nguồn gốc xăng dầu kém chất lượng, tránh bị xử phạt, gây thất thu ngân sách trên 1,4 tỷ đồng.
Ðủ cơ sở truy tố 4 bị can còn lại
Theo cáo trạng, dưới sự chỉ đạo của ông Ðinh Ngọc Hệ, ngày 17/7/2014 ông Trần Văn Lâm ký công văn gửi tỉnh Bình Dương mạo nhận là doanh nghiệp ngành làm kinh tế, xin không bị xử phạt hành vi kinh doanh xăng dầu kém chất lượng, gây thất thu ngân sách 1,4 tỷ đồng.
Ông Bùi Văn Tiệp do có mối quan hệ với ông Hệ từ trước, nên khi được nhờ, đã ký, đóng dấu vào hợp đồng gửi xăng dầu được làm giả nói trên và tài liệu liên quan. Ông Tiệp bị quy trách nhiệm đồng phạm với ông Hệ với vai trò người thực hành và chịu trách nhiệm sau ông Hệ, ông Lâm trong vụ án.
Ông Trần Xuân Sơn thực chất là cán bộ của Công ty Hải Hà dù được ông Hệ ký bổ nhiệm làm giám đốc chi nhánh Bình Dương của Công ty CPPTÐT Thái Sơn. Ông Sơn có hành vi ký văn bản gửi tỉnh Bình Dương, giả mạo hợp đồng nhận gửi xăng, để cho rằng trên 20 ngàn lít xăng kém chất lượng bị lực lượng chức năng phát hiện là của đơn vị khác nhằm tránh bị xử phạt, gây thất thu ngân sách…
Bị can Phùng Danh Thắm đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát các hoạt động của Công ty CPPTÐT Thái Sơn và ông Hệ, không phát hiện ông Hệ sử dụng nhiều ô tô thế chấp sai quy định, không phát hiện sai phạm trong vụ việc xăng dầu kém chất lượng…
Nhiều tình tiết giảm nhẹ
Theo cáo trạng vụ án "Út trọc", Đinh Ngọc Hệ đã tự nguyện đề nghị gia đình nộp 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả liên quan đến sai phạm.
Ông Hệ được tặng nhiều huân, huy chương; Ðối với ông Trần Văn Lâm, Bùi Văn Hiệp, Trần Xuân Sơn và Phùng Danh Thắm, trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, những bị can này đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Ðể khắc phục hậu quả, ông Lâm tự nguyện nộp 10 triệu đồng, ông Tiệp nộp 250 triệu đồng, ông Sơn nộp 500 triệu đồng và ông Thắm nộp 20 triệu đồng... cho cơ quan điều tra.
Kiến nghị xử lý cán bộ tỉnh Bình Dương
Theo cáo trạng, một số cán bộ đội kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương, không truy xuất nguồn gốc xăng kém chất lượng, chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao dẫn đến không phát hiện hành vi vi phạm. Nguyên nhân một phần có ý kiến bút phê của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, nên không đủ yếu tố xử lý hình sự. Tuy nhiên VKS kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương xứ lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về công chức, viên chức.
Theo Tân Châu/Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN