Thẩm phán Nguyễn Hải Nam bị khởi tố, bắt giam vì tội gì, có thể lãnh bao nhiêu năm tù?

Trước khi bị bắt, ông Nguyễn Hải Nam là chủ toạ phiên toà xét xử Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, cựu Viện phó VKSND TP Đà Nẵng) về tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Ngày 1/10, Cơ quan CSĐT Công an quận 1 đã quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Hải Nam, thẩm phán TAND quận 4 và ông Lâm Hoàng Tùng, giảng viên Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP HCM.

Ông Tùng và ông Nam bị bắt để điều tra về tội xâm phạm chỗ ở của người khác được quy định tại điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015. Các quyết định trên cũng được VKSND cùng cấp phê chuẩn.

Trước đó, TAND TP HCM đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với thẩm phán Nguyễn Hải Nam. TAND TP HCM đưa ra quyết định này khi chờ cơ quan điều tra làm việc ông Nam.

Còn Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP HCM cũng đã tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Lâm Hoàng Tùng (giảng viên của trường) để phục vụ xác minh, điều tra, xử lý của cơ quan có thẩm quyền. 

Trong một diễn biến khác, ngày 27/9, Cơ quan CSĐT Công an quận 1 (TP HCM) đã khởi tố vụ án xâm phạm chỗ ở của người khác. 

Liên quan đến sự việc và đơn thư tố cáo, cơ quan chức năng đã mời ông Nguyễn Hải Nam và ông Lâm Hoàng Tùng lên trụ sở làm việc. 2 người này nằm trong số những người bị tố xông vào nhà "bắt" 3 trẻ em gây xôn xao dư luận.

Ngay sau đó, Công an quận 1 đã kiểm tra và trục xuất các đối tượng chiếm giữ căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm (nơi ở của mẹ con bà Hoàng Thị Thu Thảo) - căn nhà bị Nam và Tùng xâm phạm.

Tham phan Nguyen Hai Nam bi khoi to, bat giam vi toi gi, co the lanh bao nhieu nam tu?
 Cuộc giằng co diễn ra tại căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm

Theo tìm hiểu của PV, ông Nguyễn Hải Nam từng ngồi ghế chủ tọa trong phiên tòa xét xử ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, cựu Viện phó VKSND TP Đà Nẵng) về tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Ngày 25/6, thẩm phán Nguyễn Hải Nam đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, giám định lại bàn tay trái của Nguyễn Hữu Linh đã làm gì trong khoảng thời gian thang máy di chuyển.

Hơn một tháng sau, Chánh án TAND quận 4 phân công thẩm phán Nguyễn Thị Thanh Thảo thay ông Nam thụ lý vụ án.

Sau đó, lãnh đạo TAND TP HCM đã có quyết định điều chuyển công tác thẩm phán Nguyễn Hải Nam về làm thẩm phán tại tòa Gia đình và người chưa thành niên TAND TP HCM.

Theo đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Thu Thảo (ngụ tại phường Đa Kao, quận 1) gửi công an, trung tuần tháng 9, có một nhóm người xông vào nhà bắt 3 đứa con của bà và chiếm nhà.

Ba người bị nêu đích danh gồm các ông Nguyễn Hải Nam, thẩm phán TAND quận 4; Lâm Hoàng Tùng, giảng viên Trường Đào tạo nghiệp vụ kiểm sát tại TP HCM và bà Nguyễn Thị Hạnh - Văn phòng thừa phát lại tại TP HCM.

Theo đơn, bà Thảo đi vắng nên để ba con ở với người giúp việc tại số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 (căn nhà bà Thảo đã đặt cọc mua nhưng chưa hoàn tất thủ tục ký hợp đồng sang nhượng).

Hôm xảy ra sự việc, 3 người nêu trên đưa hàng chục người khác vào nhà, đồng thời đưa các con bà ra khỏi nhà, bỏ đồ đạc của bà ra ngoài.

Tham phan Nguyen Hai Nam bi khoi to, bat giam vi toi gi, co the lanh bao nhieu nam tu?-Hinh-2Căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1

Theo đơn tố cáo của bà Thảo, ông Nam và ông Tùng là người trực tiếp bế hai con bà, còn một người phụ nữ khác chịu trách nhiệm việc chiếm giữ nhà của bà.

Bà Thảo đề nghị cơ quan chức năng xem xét xử lý 3 người theo quy định của pháp luật.

Sau khi sự việc xảy ra và được đăng tải trên mạng xã hội, ông Nguyễn Hải Nam đã làm giải trình gửi lên lãnh đạo tòa. Ông Nam cho biết việc ông bị tố cáo bắt cóc trẻ con là không đúng sự thật. Theo ông Nam, hôm xảy ra sự việc có rất nhiều người tại ngôi nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, gồm cả dân phòng và công an khu vực, người dân.

Ông cho biết đã làm hợp đồng thuê nhà với người được ủy quyền của căn nhà này. Khi đến nhận nhà, ông thấy có đứa trẻ mấy tháng tuổi khóc nên đã bế đi loanh quanh ở khu vực trước nhà mấy phút trước sự chứng kiến của nhiều người.

Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội xâm phạm chỗ ở của người khác như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;

c) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;

d) Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 2 lần trở lên;

d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 158 như sau:  “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác”.

Viết Dũng

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN