Phi công người Anh khỏi COVID-19, cân nhắc đưa về Anh

 Bệnh nhân 91 (phi công người Anh) được điều trị khỏi COVID-19, dung tích phổi hoạt động được tăng lên 30%, hiện đang cân nhắc đưa trở về Anh.
Sáng 21/5, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quảng lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, bệnh nhân 91 phi công người Anh có 6 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, trong hơn 10 ngày qua.
Kết quả nuôi cấy virus của bệnh nhân tại Viện Pasteur TP.HCM cũng không phát triển, cho thấy bệnh nhân được điều trị khỏi COVID-19, không thấy khả năng tái nhiễm.
“Sáng nay, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ báo cáo qua điện thoại cho biết đã cùng ê kíp sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đón bệnh nhân 91 sang Bệnh viện Chợ Rẫy, tiếp tục điều trị hồi sức tích cực, điều trị bệnh lý nền, kiểm soát nhiễm khuẩn", ông Lương Ngọc Khuê cho biết.
Phi cong nguoi Anh khoi COVID-19, can nhac dua ve Anh
 Nam phi công người Anh điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Hiện dung tích vùng phổi hoạt động được của nam phi công tăng lên 30%, thay vì chỉ 10% như cách đây gần một tuần. Chức năng phổi cải thiện đáng kể, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị nội khoa.
Kết quả chụp CT- Scan phổi lần 2 của bệnh nhân cho thấy, phần phổi phục hồi đã chiếm khoảng 20 đến 30%, chức năng phổi đã cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, mạch và huyết áp của bệnh nhân ổn định, siêu âm tim ghi nhận thất trái co bóp tốt, đồng bộ, dịch màng ngoài tim lớp mỏng.
Về phương án ghép phổi, ông Khuê cho biết, chỉ trong 1 tuần qua có 59 người tình nguyện đăng ký hiến phổi cho nam phi công, trường hợp ít tuổi nhất là nam thanh niên 21 tuổi và người cao tuổi (76 tuổi).
"Bệnh nhân này cần trọn lá phổi chứ không thể sử dụng một phần phổi, vì thế, nguồn phổi hiến từ người chết não là ưu tiên hàng đầu. Với bệnh nhân này cần ghép toàn bộ lá phổi (2 bên phổi) nên nguồn phổi hiến cần lấy từ người chết não có chỉ số phù hợp”, ông Khuê nói.
Một phương án cũng được tính đến là chuyển bệnh nhân về Anh do người đàn ông này đã khỏi COVID-19. "Vấn đề này cần báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế cùng các Bộ, ban, ngành liên quan để bàn bạc, cân nhắc"- ông Khuê cho hay. Ít nhất, bệnh nhân để chuyển được phải tỉnh táo và nhiều chỉ định khác, hiện sự sống bệnh nhân đang phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, dùng nhiều thuốc mê, an thần.
Bệnh nhân 91 là ca bệnh đầu tiên có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện ở quán bar Buddha (TP Hồ Chí Minh)kết quả được thông báo hôm 18/3. Bệnh nhân sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ (43 tuổi).
Đây là ca COVID-19 nặng nhất Việt Nam, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Bệnh nhân nặng 100 kg, mắc hội chứng "bão cytokine" - hệ miễn dịch phản ứng thái quá, rối loạn đông máu, phổi có lúc đông đặc 90%.
Bệnh nhân kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị cho người này.
Hoàng Phúc

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN