Một bữa trưa ăn món nhà quê Cao Lãnh

Tôi đã được thưởng thứ mỹ tửu nếp cái hoa vàng được cho là không bén tí mùi cồn của ông bạn Nam, chủ hãng Cá Quê, chưng cất và “phù phép” ở Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Tết năm ngoái, đang chèo queo thì nhận được cú điện từ ông bạn, một ngư ông có hạng của sông nước Sài Gòn, thông báo, có một bầu nếp cái hoa vàng, có thể làm ấm những ngày xuân. Thế là có dịp thoát chèo queo và thưởng thức mỹ tửu.
Dẻo, thơm nếp cái hoa vàng Đại Thắng
Phục tráng thành công giống lúa nếp cái hoa vàng
Thâm canh nếp cái hoa vàng
Xây tượng chuột
Và tôi đã được thưởng thứ mỹ tửu nếp cái hoa vàng được cho là không bén tí mùi cồn của ông bạn Nam, chủ hãng Cá Quê, chưng cất và “phù phép” ở Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Nói “phù phép” là vì mình không được biết làm thế nào để rượu không còn cồn mà vẫn say.
 Cá chép to muốn nướng lửa than, phải bỏ bẹ chuối sôi làm cá chín bên trong.
Cao Lãnh chỉ là nơi sinh thành của thứ mỹ tửu ấy thôi, còn quê hương nó là ở tận ngoài Bắc, nơi trồng thứ nếp lưu danh kim cổ. Thứ nếp mà mùi thơm không nếp nào sánh bằng. Và men cũng phải từ miệt ngoải. Bạn kể quy trình khá là công phu: chưng cất xong, đem ngâm với cơm rượu một thời gian, sau đó lọc lấy nước, cộng thêm một số bí quyết để làm cho cồn triệt tiêu dần cho đến lúc bằng không. Rượu được để “ngủ đông” đến 12 tháng trời. Và sau đó là một thứ nước vàng trong sang cả.
Hôm xuống Cao Lãnh, tôi được bạn đãi rượu tự do. Trong người lúc nào cũng lâng lâng. Một đêm sáng dậy, là có thể vầy cuộc lại ngay. Đó là những ngày con nước về. Những người bạn đưa ra chợ xem “hàn thử biểu” sản vật mùa nước sông Tiền ngầu đỏ. Nhiều loại cá mùa nước nổi, nhưng ngặt cái là lượng không nhiều. Một thứ không thể thiếu ở chợ Đồng Tháp là chuột. Buổi cơm chiều hôm đó tại nhà Nam, hình ảnh cái lồng chuột vẫn còn in đậm trong đầu tôi. Tôi mới cà khịa cho vui với một bác nghe đâu cán bộ gì đó: “Nghe nói Đồng Tháp sắp bắt chước An Giang xây tượng đài?”. “Tượng gì mới được?”. “Bển xây tượng cá basa ở Châu Đốc, ở đây xây tượng chuột!”. Ông cán bộ không thích giỡn, có vẻ giận…
Một thứ nhà quê cao cấp
Ngon đến ngất trên cành quất là bữa uống rượu ở vườn nhà quê vợ ông bạn MC “free lance” truyền hình tên Phú. Ở đó, trong khuôn khổ một bữa ăn quê, mà lòng ta khó quên cho được mẹ thiên nhiên và sự bao la của lòng mẹ. Này nhé, ốc bươu nướng tiêu. Thịt ốc dòn dòn, sựt sựt, thơm lừng mùi tiêu, ngon nhất là nước ốc - thế mà có người lại lập nên thành ngữ “lạt như nước ốc”. Húp miếng nước rồi mới kéo ruột ốc ra. Rồi đến hến, con nhuyễn thể hai mảnh mà mẹ thiên nhiên đãi dân Đồng Tháp, bất chiến tự nhiên thành. Không nuôi mà mãi thu. Hến xào hẹ, tuyệt thức. Một ông bạn đồng bàn tên Út nhắc đi nhắc lại: toàn thức tự nhiên. Một con cá chép to cỡ hai bàn tay bắt được trong mương vườn.
Ông bạn miệt vườn đưa ra công thức nướng mà mình mới biết lần đầu: “Con cá to, phải dùng bẹ thân cây chuối bó lại nướng cho thịt bên trong nó chín hẳn. Sau đó, khi chuối đã cháy hết, mới nướng lại lần nữa trên lửa than. Nướng trực tiếp cho cá cháy sém. Chỉ cần kể tới đó. Chưa hết. Còn ba con cá trê do ngư ông sông nước Sài Gòn Trần Việt Đức câu trong mương hôm ấy cũng đem nướng. Tươi ngon, khó kiếm được ở Sài Gòn, thời của gì cũng nuôi. Ăn đến đầu cá trê, ông bạn anh rể của free lance MC Phú mời chỉ cái hàm dưới cá trê không có chút thịt, nói chuyện thế thái nhân tình: Ba năm mãn hạn anh về/ Cơm hớt để chó hàm trê để mèo. Cảm thán về chuyện ở rể ngày xưa, chỉ ăn cơm hớt đầy bụi tro và thứ hàm trê không thịt.
Chưa kể mớ cua và cá khác, mà chúng tôi gọi vui là món “tuỳ táng” với con cá chép. Ôi những con cua đồng với cái càng lớn to bằng cả mình cua, đỏ rực. Chúng na ná con cáy. Ông bạn Út nói: “Cua nuôi không có càng cỡ này”. Tôi nghĩ càng nó to vì nó phải chiến đấu, trong khi cua nuôi chẳng phải chiến với đấu gì cả nên càng không to chắc. Mùa nước về không thể không kể đến món tép rong xào bông điên điển.
Một thứ rất tình cờ của sông nước bữa ấy nữa, một con chim cuốc làm sao đó bị mắc lưới chết đuối - hay vì nhớ nước đau lòng mà chết như Bà Huyện Thanh Quan kể. Món cuốc ướp muối ớt nướng coi như là một nốt thăng lạc lõng trong dàn nhạc sản vật sông nước hôm đó.
Và rượu, sản phẩm nếp cái hoa vàng được ông bạn Nam đặt tên là “tiên tửu” đưa cay với bữa ăn miệt vườn, tuy không cồn nhưng vẫn làm người uống ngất trên cành quất trong cái trại bốn bề lộng gió sông Tiền…
Tiếc ngàn sau là hôm đó thiếu bác… Lý Bạch để nghe bác ấy “Tương tiến tửu”:
Trời sinh ra ta, đã có tài thì ắt có dùng./ Còn ngàn vàng kia dù có tiêu tan hết, rồi cũng sẽ trở về./ Mổ dê, giết trâu, ta hãy hưởng vui,/ hãy nên một lần uống cạn ba trăm chén…
Theo Trần Bích/Thế Giới Tiếp Thị

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN