Đắk Lắk: Cần làm rõ nguyên nhân độ che phủ rừng thấp

Theo báo cáo, giai đoạn 2017-2022 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trồng được 12.405 ha, trong đó trồng rừng sản xuất 10.108 ha, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 497 ha.

Sáng 4/4, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về kết quả sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.
Dak Lak: Can lam ro nguyen nhan do che phu rung thap
Quang cảnh buổi làm việc 

Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; đại diện các bộ, ngành Trung ương và các sở, ngành tỉnh Đắk Lắk.
Dak Lak: Can lam ro nguyen nhan do che phu rung thap-Hinh-2
 Đồng chí Nguyễn Đình Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” (gọi tắt là Chỉ thị 13), nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được nâng cao. Tỉnh Đắk Lắk đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp có chiều hướng giảm cả về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại. So với giai đoạn 2012 - 2016, số vụ vi phạm giảm hơn 44,5%, trong đó số vụ phá rừng trái pháp luật giảm 31,2%.

Công tác trồng rừng có nhiều kết quả khả quan, giai đoạn 2017-2022 trên địa bàn tỉnh trồng được 12.405 ha, trong đó trồng rừng sản xuất 10.108 ha, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 497 ha.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng chưa trở thành phong trào và có sức lan tỏa rộng; tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép ở một số địa phương vẫn còn tiếp diễn, chưa được xử lý dứt điểm; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép diễn biến phức tạp; công tác trồng rừng, phát triển các mô hình lâm nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp sau sắp xếp chưa cao…

Theo thống kê cho thấy, từ năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện, tiếp nhận, lập hồ sơ xử lý 6.502 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó xử lý hành chính 6.143 vụ; lập hồ sơ đề nghị xử lý hình sự 98 vụ với 57 bị can; tịch thu 6.339m3 gỗ các loại; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 35,5 tỷ đồng…

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho rằng, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay gặp nhiều khó khăn, trong thời gian qua tỉnh đã nhiều lần đề xuất các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nhưng không được giải quyết. Nhiều năm nay, Đắk Lắk thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng không bố trí nguồn lực khiến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gặp nhiều khó khăn…
Dak Lak: Can lam ro nguyen nhan do che phu rung thap-Hinh-3
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc 

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Đắk Lắk trong việc triển thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tuy nhiên, đến nay Đắk Lắk vẫn là một trong những “điểm nóng” về phá rừng, khai thác lâm sản trong cả nước; hằng năm số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp còn cao. Nhiều nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư chưa được các bộ, ngành và tỉnh Đắk Lắk thực hiện hiệu quả. Đáng chú ý là một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự chú trọng, coi trọng công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; chưa nhận thức rõ trách nhiệm người đứng đầu đối với các vụ việc phá rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý; thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm.

Đặc biệt, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu, Đắk Lắk phải đánh giá sát, đúng tình hình dân di cư tự do; thực hiện rà soát lại cơ chế, chính sách, nhất là chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số đang sống dựa vào rừng. Có như vậy mới làm tốt được công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng... Những kiến nghị của tỉnh sẽ được Ban Kinh tế Trung ương tiếp thu, nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện báo cáo sơ kết về thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, qua đó đề xuất với Ban Bí thư giải pháp phù hợp nhằm giải quyết vướng mắc, khó khăn về cơ chế chính sách, pháp luật trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Thục Anh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN