ALC làm ăn thế nào khi “độc quyền” cho thuê máy bay ở Việt Nam?

VALC là doanh nghiệp duy nhất hoạt động trong lĩnh vực cho thuê máy bay tại Việt Nam. Năm 2022, VALC ghi nhận lợi nhuận trước thuế 512 tỷ đồng, tương đương lãi 1,4 tỷ đồng mỗi ngày, mức cao nhất 4 năm qua.
Thông tin trên được Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã: HVN) - đơn vị sở hữu 32,48% vốn của Công ty CP Cho thuê Máy bay Việt Nam (VALC, là công ty liên kết của Vietnam Airlines) nêu trong báo cáo thường niên năm 2022 vừa công bố. Theo đó, trong năm 2022, VALC ghi nhận doanh thu đạt 72 triệu USD (khoảng 1.700 tỷ đồng) và lợi nhuận trước thuế đạt 21,8 triệu USD (khoảng 512 tỷ đồng), đều tăng trưởng so với năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 28%.
“Đứa con tinh thần” của các “ông lớn”
Trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp giới thiệu, VALC hiện có trụ sở tại tầng 6, số 18 Lý Thường Kiệt, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật của VALC là bà Nguyễn Thị Nga và ông Lưu Minh Chung.
Báo cáo của Vietnam Airlines cũng cho biết, VALC hoạt động trong lĩnh vực mua, bán, thuê và cho thuê lại máy bay, được thành lập với mục tiêu mua máy bay để cho các hãng hàng không thuê hoạt động, khai thác. Qua đó, góp phần phát triển ngành hàng không Việt Nam, tăng số lượng máy bay do Việt Nam sở hữu, giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường cung cấp máy bay quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy sự hội nhập của ngành hàng không Việt Nam với thế giới.
Tìm hiểu được biết, VALC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập vào tháng 9/2007 với số vốn điều lệ 640 tỷ đồng. Doanh nghiệp ra đời trên cơ sở góp vốn của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn trong nước như: Vietnam Airlines (30%); BIDV (20%); PVN (17%); Vinashin (11%); Tổng Công ty Phong Phú (8%) và 14% còn lại dành cho cổ đông phổ thông.
Hiện nay, các cổ đông chính của VALC gồm Vietnam Airlines, BIDV, PVComBank. Trong đó, Vietnam Airlines cũng là khách hàng chính thuê lại các máy bay của VALC.
Tại Việt Nam, VALC hiện là công ty duy nhất có hoạt động cho thuê máy bay. Bên cạnh cho thuê thì công ty này cũng bảo dưỡng, cung cấp phụ tùng máy bay. Không thực hiện bất cứ một chuyến bay nào, nhiệm vụ chính của VALC là mua máy bay rồi cho các hãng hàng không trong nước thuê lại khai thác.
Lợi nhuận mỗi năm hàng trăm tỷ đồng
Theo dữ liệu của Nhà Đầu tư, tại thời điểm tháng 12/2016, vốn điều lệ của VALC là 1.318,7 tỷ đồng. Mặc dù kế hoạch triển khai phương án chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) bị trì hoãn trong năm 2017, nhưng cơ cấu cổ đông của VALC lại có sự biến động mạnh do cổ đông sáng lập BIDV dần chuyển nhượng cho một số ngân hàng, doanh nghiệp khác.
ALC lam an the nao khi
“Độc quyền” cho thuê máy bay ở VN, VALC siêu lợi nhuận? (ảnh minh họa: Internet). 
Tính đến tháng 9/2017, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông sáng lập VALC bao gồm: Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank) sở hữu 12,37%; BIDV (27,6%); Vietnam Airlines (32,05%). Tổng công ty Phong Phú và Vinashin đều đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần nắm giữ cho VALC. Đến tháng 1/2018, tỷ lệ sở hữu của BIDV giảm xuống còn 18,52%. Hiện nhóm cổ đông liên quan tập đoàn này đang nắm giữ tổng cộng 34,56% vốn doanh nghiệp tại VALC.
Trong khi đó, theo Dân trí, trước đó, năm 2014, VALC công bố doanh thu đạt hơn 76,8 triệu USD, lợi nhuận sau thuế đạt 19,78 triệu USD. Năm 2015, VALC đạt doanh thu 76,6 triệu USD và lãi ròng 19,5 triệu USD, giảm gần 300.000 USD so với kết quả thực hiện năm 2014. Tại thời điểm ngày 31/12/2015, tổng tài sản của VALC đạt hơn 723 triệu USD, trong đó tài sản cố định chiếm tới 92,23% trên tổng tài sản.
Năm 2016, VALC báo cáo tổng doanh thu đạt 82,7 triệu USD và 25,9 triệu USD lợi nhuận trước thuế. Đáng chú ý, năm 2017, tổng doanh thu của VALC chỉ đạt 85,5 triệu USD, hoàn thành chưa đến 60% kế hoạch do việc thanh lý máy bay muộn hơn dự kiến. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại vượt kế hoạch 16%, lên 26,6 triệu USD do kiểm soát chặt chi phí quản lý doanh nghiệp và tỷ giá ngoại tệ biến động không lớn như dự kiến.
Năm 2018, doanh thu của hãng cho thuê máy bay này đạt hơn 87 triệu USD, tăng gần 4% so với năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm nhẹ, chỉ đạt xấp xỉ 26 triệu USD.
Trong một diễn biến liên quan, hồi tháng 3/2023, VALC nhận được sự chú ý khi bán đấu giá một tàu bay ATR 72-500 số hiệu sản xuất 925 (MSN 925) với giá khởi điểm 136,6 tỷ đồng. Trước đó, vào năm 2016, công ty này cũng thông báo đấu giá 5 máy bay ATR 72-500, trong đó chiếc ATR 72-500 MSN 925 được bán đấu giá khởi điểm 215 tỷ đồng.
Đến năm 2018, chiếc máy bay trên cùng 2 chiếc ATR 72-500 khác tiếp tục được mang ra đấu giá với mức khởi điểm 189 tỷ đồng (tương đương 8,3 triệu USD). Tuy nhiên đến nay, sau 8 lần đấu giá, VALC vẫn chưa bán được chiếc tàu bay ATR 72-500 MSN 925.

Liên Hà Thái (t/h)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN